Hà Giang – nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc, có trên 90 vạn người, với 19 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm 87,7%, trong đó: dân tộc Mông chiếm 34,4%, Tày chiếm 22,5%, Dao chiếm 14,8%, Kinh chiếm 12,3%, Nùng chiếm 9,5%, còn lại là các dân tộc khác; có 09 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn gồm: Phù Lá, La Chí, Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Giấy, Mường và 05 dân tộc còn có khó khăn đặc thù (có số dân dưới 10.000 người) gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình bị chia cắt, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt. Trong những năm qua vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư hỗ trợ toàn diện, đời sống người dân luôn được cải thiện, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích cực.
Những em bé Lô Lô trong trang phục truyền thống ( Ảnh: ST)
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021–2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các Quyết định của Chính phủ triển khai chương trình, tỉnh Hà Giang đã ban hành đồng bộ các văn bản triển khai thực hiện. Kết quả, đến tháng 12/2023, tỉnh đã triển khai các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN với vốn giao năm 2022 là 1.072.293 triệu đồng, năm 2023 là 2.173.359 triệu đồng. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với 585 dự án các mô hình giảm nghèo do cộng đồng đề xuất, chủ yếu triển khai các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo, chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả… các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi và chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp… với 20.694 hộ nghèo, cận nghèo hưởng lợi. Đào tạo nghề cho 12.437 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Tổ chức 9 hội chợ việc làm, 103 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 29.752 người. Hỗ trợ triển khai xây dựng nhà ở 5.399 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong đó xây mới 3.776 hộ, sửa chữa 1.623 hộ… Cùng với các chính sách an sinh xã hội khác của Trung ương và của tỉnh, giai đoạn 2022- 2023, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 (tiêu chí mới), tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 55,12% đầu năm 2022 xuống còn 42,61%, cuối năm 2023 giảm 12,51%, giảm 22.165 hộ nghèo và cận nghèo; trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số giảm từ 72,39% xuống còn 49,23%, giảm 23,16%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang có 01 đơn vị (thành phố Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định công nhận thêm 3 xã đạt chuẩn NTM năm 2023, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh lên 51/175 xã (đạt 29,14%), trong đó có 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổng số tiêu chí đã hoàn thành đến nay là 2.215 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã. Có 126 thôn đã được công nhận thôn NTM, tỷ lệ thôn biên giới có điện đạt tiêu chí NTM là 92%; tỷ lệ thôn biên giới có đường giao thông đạt tiêu chí NTM là 66,1%. Từ năm 2021 đến nay đã triển khai thực hiện cung ứng 125.347,8 tấn xi măng cho các huyện, thành phố để triển khai thực hiện 1.092km đường bê tông nông thôn, với chính sách tỉnh hỗ trợ xi măng, kinh phí còn lại huy động từ xã hội hóa và nhân dân đóng góp.
Trong lĩnh vực y tế đã tổ chức được 394 điểm tiêm ngoại trạm, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mở rộng tại các xã đạt 100%. Hỗ trợ kinh phí cho 46 cô đỡ thôn bản hoạt động theo quy định. Chú trọng nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các hoạt động tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Triển khai Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời ở 53 xã, tỷ lệ sinh con được cán bộ y tế trợ giúp đạt 81%; Tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được can thiệp chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ đạt 78%; trẻ em dưới 24 tháng tuổi được khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/ 1 lần.
Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã trợ giúp đột xuất thiên tai, hoả hoạn cho 774 hộ gia đình; Tổ chức tiếp nhận gạo cứu đói dịp tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2021-2023 của Chính phủ hỗ trợ cứu đói 2.434,96 tấn gạo cho 36.657 lượt hộ/162.330 lượt khẩu; Cứu đói giáp hạt 2024, các huyện, thành phố cân đối ngân sách hỗ trợ 423.735 kg gạo cứu đói giáp hạt cho 4.014 hộ với 19.322 khẩu. Tổ chức thăm và tặng quà Tết nguyên đán cho 499.558 lượt đối tượng người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ; Tổ chức chúc mừng thọ cho 28.007 cụ cao tuổi; Thăm và tặng quà cho 973 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày người khuyết tật Việt Nam… Thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 53.315 đối tượng bảo trợ xã hội.
Năm 2021 tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn xã hội hóa thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Kết quả năm 2021 và 2022 triển khai hỗ trợ 3.113 nhà với kinh phí 186,78 tỷ đồng, nâng tổng số nhà được hỗ trợ từ năm 2019 đến 2023 là 6.710 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 398 tỷ đồng và trên 343 ngàn ngày công hỗ trợ.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hệ thống giáo dục được mở rộng cả quy mô và loại hình trường, lớp với 816 cơ sở giáo dục, có 1.297 điểm trường, tỷ lệ huy động trẻ đến trường theo độ tuổi trên 97,5%; tỷ lệ các xã vùng dân tộc thiểu số có trường mầm non, tiểu học, THCS đạt 100%. Số lao động tham gia học nghề là 37.999 người, số lao động là người dân tộc thiểu số được học nghề chiếm tỷ lệ trên 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực từ 55% năm 2021 lên 58,8% năm 2023.
Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông không ngừng được cải thiện. Tính đến 2023 toàn tỉnh có:161/193 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa hoặc Hội trường đa năng, đạt tỷ lệ 83,4%, 1.836/2.071 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (nhà sinh hoạt cộng đồng), đạt 88,6%, 11/11 huyện, thành phố có thư viện; 193/193 xã, phường có tủ sách pháp luật; có 61 di tích, danh thắng được xếp hạng, 32 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…
Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và nguồn xã hội hóa, Hà Giang cũng tích cực kêu gọi các nguồn đầu tư từ các chương trình dự án ODA với 8 chương trình, dự án góp phần hỗ trợ cho các hộ nghèo được tiếp cận với nguồn lực về xóa đói, giảm nghèo; phát triển nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu trên các lĩnh vực như giao thông, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, trường học, bệnh viện, phát triển nông nghiệp và nông thôn…
Có thể khẳng định nhờ các cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương, các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và sự đồng thuận của nhân dân kết cầu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư đồng bộ cơ bản đồng bộ, đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 82,09% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% cơ sở y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 5,99%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Tuy nhiên Hà Giang vẫn là tỉnh khó khăn, nói như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Hà Giang ngày 27/8/2014: “Tỉnh Hà Giang điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, trời không phú cho cái thuận lợi mà lại ban cho cái khó khăn như thế; trên là trời, dưới là đá”, trong khó khăn ấy đồng bào các dân tộc Hà Giang vẫn quyết tâm bảo vệ quê hương, thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của trung ương, tỉnh và các tổ chức hợp pháp để vươn lên thoát nghèo từ đá, tiến tới làm giàu từ đá.
- Nguyễn Hoài – Sở Văn hóa, TT&DL
- ———————————
- Liên hệ đặt tour và đặt vé:
- Trung tâm TTXTDL Hà Giang
- Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
- Hotline: 1900561276
- #discoverhagiang
- #ubuk