Tại hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cụ thể hóa quan điểm của Đảng về văn hóa, đặc biệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII;Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội sửa đổi, bổ sung năm 2011 về: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”... Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, đề án để thực hiện và đã thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Một số mô hình lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả như: Lấy văn hóa để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Theo kết quả điều tra xã hội học 90% du khách đến Hà Giang được hỏi cho biết họ tìm đến Hà Giang bởi sự hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa dộc tộc độc đáp; con người thân thiện. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Giang định hướng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.Hai là, dựa vào các chủ thể văn hóa để khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong cộng đồng. Xây dựng mô hình Hội nghệ nhân dân gian cấp cơ sở thôn (bản), xã, huyện.. Hiện nay Hà Giang có 188 Hội nghệ nhân dân gian với gần 9000 hội viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy văn hóa truyền thống và xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong cộng đồng.Ba là, chú trọng thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, giáo dục lý tưởng, tình yêu quê hương đất nước. Hà Giang đã ban hành Nghị quyết đưa văn hóa truyền thống vào trong trường học với nhiều hình thức phù hợp với các đội tượng học sinh các cấp giúp các em biết, hiểu và yêu văn hóa dân tộc.Bốn là, luôn chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa. Ban hành các đề án nâng coa chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh; bảo tồn và nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch cộng đồng… để vừa bảo tồn văn hóa vừa phát triển du lịch.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, công tác văn hóa đã và đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt với Hà Giang, một tỉnh miền núi biên giới, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% với 19 dân tộc. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Vì vậy để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, trong định hướng phát triển, từ kinh nghiệm thực tiễn lãnh chỉ đạo trong thời gian qua, Hà Giang đã các định các giải pháp trong thời gian tới như:
Một là,xác định văn hóa giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đểbảo vệ dân tộc, giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Hà Giang; từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân.
Hai là,Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa. Xác định vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Tăng cường, đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hoá, đạo đức, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.Phát huy thành tựu khoa học, công nghệ gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.Chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng Internet, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên.
Ba là, Tổ chức ban hành chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hoá, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng, đồng thời phát triển sâu rộng hoạt động văn hoá, nghệ thuật quần chúng.Đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối, siết chặt kỷ cương, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ quản lý văn hóa hiệu quả; phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương.
Bốn là, Tiếp tục thực hiện xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ. Phát huy những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang như: ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau; đức tính thật thà, bao dung, tự trọng và biết ơn; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn, yêu đời; có vốn tri thức dân gian phong phú; có lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm kiên trung trong chiến đấu, thích ứng và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại… để hoàn thiện nhân cách, phát triển thể lực, nâng cao trí tuệ, sống trong đá, thoát nghèo từ đá và làm giàu từ đá.
Năm là, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Tổ chức triển khai nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trong: gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức xã hội…, nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử. Tiếp tục đầu tư và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cấp thôn, bản. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là đội ngũ người có uy tín, các nghệ nhân dân gian trong cộng đồngđẩy mạnh hơn nữa việc hạn chế, từng bước xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa.
Sáu là, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân chủ động tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy năng lực sáng tạo. Đổi mới các hoạt động văn hóa phù hợp sự phát triển của công nghệ thông tin và biến đổi xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Xây dựng, tổ chức hoạt động có hiệu quả phong trào văn hóa nghệ thuật tại địa phương.
Bảy là,Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử – văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ. Ban hành cơ chế chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng ở trong nước và nước ngoài.
Tám là, Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa độc đáo; hình thành cơ chế phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.
Chín là,Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.Chú trọng truyền bá văn hóa ra nước ngoài vừa quảng bá văn hóa vừa phát triển du lịch.
Mười là, Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa
Cấp ủy, chính quyền và cộng đồng các dân tộc Hà Giang đã và đang thực hiện có hiệu quả những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác văn hóa. Sự nghiệp văn hóa Hà Giang thực sự góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguyễn Hoài – PGĐ Sở VHTT&DL Hà Giang