Với tiềm năng đa dạng, hiếm có, những năm qua, du lịch Hà Giang đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, ngày càng khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như khu vực và quốc tế. Theo định hướng của tỉnh nhà, đến năm 2025, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Nhằm tìm hiểu về những giải pháp để thực hiện mục tiêu này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang.
Ông có thể cho biết những tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang? Với những thế mạnh này, thời gian qua lĩnh vực du lịch đã đạt được những bước tiến nào?
Trước hết có thể khẳng định, Hà Giang là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về tiềm năng du lịch. Là tỉnh vùng cao cực bắc của tổ quốc, Hà Giang nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; những điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước yêu thích như: Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, Khu di tích kiến trúc nhà Vương (Đồng Văn), bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần), ruộng bậc thang (Hoàng Su Phì); đèo Mã Pí Lèng, mùa hoa tam giác mạch (Mèo Vạc),…
Không những thế, Hà Giang còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có của mỗi dân tộc như: Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo,…, tạo nên sự đa dạng về văn hóa của Hà Giang. Tỉnh còn có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Cam sành, chè shan tuyết cổ thụ, các sản phẩm làm từ hoa tam giác mạch,… Nền văn hóa ẩm thực cũng hết sức đa dạng: Cháo Ấu tẩu của người Mông, rêu nướng của dân tộc Tày, bánh chưng gù của người Dao đỏ,…
Nhận thức rõ về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, những năm qua cấp ủy, chính quyền tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành mới và tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch Hà Giang phù hợp với bối cảnh tình hình trong từng giai đoạn. Theo đó, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển 3 vùng không gian du lịch: Khu vực vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Vùng Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Vùng trung tâm, đồi núi thấp; cùng với đó là 5 dòng sản phẩm thế mạnh gồm: Du lịch cộng đồng, Du lịch văn hóa, Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Du lịch thể thao, mạo hiểm, Du lịch thương mại, biên giới.
Năm 2023, Hà Giang vinh dự được xếp thứ 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (do Tạp chí New York Times của Mỹ bình chọn). Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Hà Giang cũng được đề cử bình chọn là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” của Giải thưởng Du lịch Thế giới – World Travel Awards lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương. |
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách. Đến nay, một số chủ đầu tư lớn đã bắt tay xây dựng khu đô thị nghỉ dưỡng – du lịch – dịch vụ có quy mô lớn, trở thành điểm nhấn trong du lịch Hà Giang như: Dự án tổ hợp Shophouse Hà Giang, Khu nghỉ dưỡng H’mong Vilage, PaPiu, Panhou, Dự án Khách sạn Yên Biên Luxury,…
Năm 2022, tỉnh Hà Giang đón được 2.268.000 lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 71308 lượt người. Doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 4.536 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Giang đón 1.418.000 lượt du khách (tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% kế hoạch năm 2023), trong đó 136.360 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 3.332 tỷ đồng.
Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang tại huyện Hoàng Su Phì
Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào nhằm tạo đà đưa du lịch Hà Giang tiếp tục “cất cánh”, thưa ông?
Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch. Tập trung mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững trên cơ sở thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục triển khai đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó chú trọng thực hiện Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ngành cũng đẩy mạnh đổi mới hình thức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Tham gia các hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch trong nước, quốc tế, trong đó chú trọng nhóm hợp tác với 6 tỉnh Việt Bắc, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.Hồ Chí Minh, thị trường quốc tế từ các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á. Tiếp tục khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp với lợi thế khai thác của tỉnh như du lịch thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng cao cấp.
Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch có khả thi nhằm kêu gọi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Ưu tiên bố trí quỹ đất và không gian cho các dự án đầu tư du lịch có quy mô, trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội khu vực. Đồng thời, tiếp tục rà soát đề xuất chính sách thu hút đầu tư du lịch, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư dự án du lịch, đầu tư hạ tầng kinh doanh du lịch.
Theo định hướng của tỉnh Hà Giang, đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, có 01 khu du lịch được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; thu hút 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn. |
Ngoài ra, thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh lĩnh vực du lịch. Cần có giải pháp đồng bộ, triệt để xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, xây dựng trái phép ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường. Đặc biệt, hướng đến phát triển bền vững, ngành tăng cường và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình dự án, giải pháp trùng tu, tôn tạo các công trình, di sản văn hóa. Triển khai hiệu quả đề án bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)
———————————
Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay
Trung tâm TTXTDL Hà Giang
Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
Hotline: 1900561276
Đặt vé máy bay: ubuk.com