fbpx
Tin tức

Hiệu quả của Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông

Hà Giang là địa bàn cư trú của cộng đồng 19 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 34,4%. Với lịch sử quần cư lâu đời, người Mông ở Hà Giang đã sáng tạo nên nhiều di sản văn hóa được đánh giá là phong phú và độc đáo nhất và có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang. Văn hóa truyền thống của dân tộc Mông Hà Giang rất đa dạng, thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: kiến trúc nhà ở, phương thức sản xuất, thẩm mỹ y phục và nếp sống văn hóa gia đình, xã hội… đó là những bộ phận hữu cơ tạo nên mắt xích trong tính cách, phong thái, diện mạo của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cực bắc Tổ quốc.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 21/04/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành đề án “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030”. Đề án đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ công tác lãnh chỉ đạo đến sự hưởng ứng của cộng đồng dân tộc Mông. Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở Hà Giang. Đến nay Hà Giang đã kiểm kê được 29 di sản văn hóa dân tộc Mông, lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 04 di sản gồm: Lễ hội Gầu tào, nghệ thuật Khèn của người Mông, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông, Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang. Các huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng biên soạn tài liệu để truyền dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc Mông. Từ năm 2017 đến nay, các ngành, các cấp đã mở được 37 lớp dạy chữ và tiếng Mông cho cán bộ công chức và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh thường xuyên có các chương trình phát bằng tiếng Mông trong khung giờ nhất định, tổ chức các buổi tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước trên loa truyền thanh bằng nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Mông tại các phiên chợ, loa cố định tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố…; tuyên truyền khuyến khích các gia đình đồng bào dân tộc Mông tích cực giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt, truyền dạy tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tốt đẹp cho các con cháu trong gia đình. Kiến trúc làng bản truyền thống được bảo tồn và đặc biệt là xây dựng thành làng văn hóa du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan. Tiêu biểu như huyện Đồng Văn đã khảo sát bảo tồn các thôn: Thôn Lũng cẩm Trên, thôn Lao Xa (xã Sủng Là); huyện Mèo Vạc ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Mông… Những năm qua, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mông thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo khôi phục, duy trì và tiến hành tổ chức. Nổi bật như huyện Xín Mần đã tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ văn hóa dân gian dân tộc Mông, các huyện có đồng bào Mông sinh sống đều tiến hành tổ chức Lễ hội Gầu tào vào dịp tết cổ truyền của dân tộc. Phong tục thờ cúng tổ tiên được bảo tồn gắn với việc tuyên truyền giáo dục tình yêu gia đình, quê hương, dân tộc; lòng biết ơn và tinh thần đoàn kết dân tộc, hướng cộng đồng dân tộc Mông không mê tín dị đoan, không theo đạo trái pháp luật, bài trừ một số hủ tục lạc hậu trang đám cưới, đám tang thực hiện nếp sống văn hóa mới trong mỗi gia đình, khu dân cư theo quy định của Đảng và Nhà nước. Đến nay, cơ bản các đám cưới đều được tổ chức với các nghi lễ của đồng bào nhưng đã được đơn giản hóa, gọn nhẹ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và điều kiện hoàn cảnh, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng đã giảm đáng kể. Việc tổ chức tang lễ có những chuyển biến tích cực, thời gian tổ chức tang lễ được rút ngắn theo quy định; các hủ tục lạc hậu trong đám tang cơ bản được loại bỏ, hạn chế giết trâu, bò, rượu chè kéo dài nhiều ngày… Các địa phương đã tập trung tuyên truyền vận động đồng bào Mông giữ gìn, khôi phục, phát triển các nghề truyền thống như huyện Mèo Vạc có Hợp tác xã Xuân Mai sản xuất các sản phẩm từ cây lanh, Hợp tác xã Giàng Chu Phìn đan lát các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày; huyện Quản Bạ bảo tồn nghề dệt lanh tại xã Lùng Tám, nghề mộc tại xã Cán Tỷ; huyện Yên Minh khôi phục hợp tác xã dệt lanh tại thôn Ngán Chải, xã Lao Và Chải; huyện Hoàng Su Phì phối hợp với tổ chức CRED Thụy Sỹ tổ chức hội thi chế tác sản phẩm làng nghề truyền thống và hàng thủ công mỹ nghệ, lựa chọn được 12 sản phẩm của dân tộc Mông thuộc các xã Bản Péo, Tả Sử Choóng để trao giải và đưa vào kế hoạch phát triển hàng hóa phục vụ du lịch và xây dựng một gian trưng bày sản phẩm tại làng văn hóa du lịch thôn Tân Phong (xã Hồ Thầu). Tỉnh Hà Giang có 40 làng nghề truyền thống, trong đó có 10 làng nghề có đồng bào Mông tham gia, tiêu biểu làng nghề dệt lanh xã Lùng Tám đã được mời tham dự giới thiệu tại các sự kiện văn hóa quy mô lớn trong nước và quốc tế.

Có thể khẳng định với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đề án bảo tồn khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông đã đạt hiệu quả tích cực góp phần quan trọng vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông gắn với phát triển kinh tế xã hội, bài trừ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh; ý thức cộng đồng dân tộc được nâng lên góp phần xây dựng mối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Phát huy kết quả đó, trong giai đoạn tiếp theo tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo thực hiện đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, đồng thời lấy đề án làm mô hình để các địa phương nhân rộng sang cộng đồng các dân tộc khác.

Tùng Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *