Làng Văn hóa (LVH) du lịch thôn Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là (Đồng Văn), nơi có nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, cảnh quan thiên nhiên đẹp với sự mến khách của người dân. Điều này đã tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước khi lên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng LVH du lịch tiêu biểu Lũng Cẩm, xã Sủng Là đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trực tiếp hướng dẫn thôn Lũng Cẩm thực hiện các tiêu chí, mục tiêu đề ra theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Trong phát triển kinh tế, xã triển khai nhiều giải pháp, phát huy nội lực trong dân, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án; khuyến khích người dân tận dụng tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh, huyện và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Với định hướng đúng, sự nỗ lực của từng hộ dân, đến nay, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân có sự thay đổi rõ rệt: Số hộ khá, giầu của thôn chiếm 12%; số hộ nghèo còn 2 hộ. Duy trì thường xuyên các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Mông. Có nhà văn hoá được xây dựng theo kiến trúc truyền thống để sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đón tiếp khách tham quan, trưng bày sản phẩm du lịch địa phương.
Cổng Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là. |
Ban quản lý thôn đã tuyên truyền cho người dân ý thức vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp; hàng tuần phân công các gia đình tự vệ sinh nhà ở, đường làng mà hộ gia đình quản lý, 100% số hộ di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà, có công trình vệ sinh khép kín, vệ sinh sạch sẽ trong nhà và khu vực xung quanh. Tổ chức phát động trồng cây xanh, trồng cây cảnh quan, cây ăn quả quanh đường làng và xung quanh các hộ dân. Cổng làng có bảng thông tin hướng dẫn theo tiêu chí xây dựng Làng Văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới bằng 2 thứ tiếng (Việt – Anh); có mạng Internet, điểm phục vụ bưu chính viễn thông, điện thoại, loa truyền thanh công cộng; bố trí tủ sách thư viện tại Nhà văn hoá cộng đồng.
Việc phát triển, khôi phục các nghề truyền thống được chú trọng duy trì, đã thành lập các tổ nghề truyền thống như: May mặc (27 hộ); dệt lanh (19 hộ), chủ yếu là các mặt hàng dệt may trang phục truyền thống và một số sản phẩm như áo, túi thổ cẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Hiện nay, thôn Lũng Cẩm Trên đã thành lập được Đội văn nghệ dân gian (15 người) có độ tuổi từ 14 – 60 hoạt động theo quy chế, thường xuyên tập luyện với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc để phục vụ khách tham quan khi có yêu cầu. Nắm bắt cơ hội, nhu cầu của khách du lịch ngày một đông, nhiều hộ dân trong LVH Lũng Cẩm đã tự giác làm mới, tu sửa nhà cửa làm dịch vụ du lịch Homstay, có thể nấu ăn phục vụ các món ăn dân gian của địa phương để phục vụ du khách như mèn mén, đậu chúa, thịt treo, lạp sườn, gà đen địa phương… Trong năm 2017, LVH du lịch Lũng Cẩm đã đón trên 20.000 lượt khách với doanh thu đạt trên 200 triệu đồng…
Tuy nhiên, theo anh Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Sủng La, trong xây dựng, duy trì LVH du lịch Lũng Cẩm còn có khó khăn do tỷ lệ hộ cận nghèo theo rà soát chuẩn nghèo đa chiều còn cao, chiếm trên 50%. Hợp tác xã làng nghề hoạt động chưa thu hút được nhiều lao động địa phương tham gia; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng. Công tác tuyên truyền, xây dựng thương hiệu du lịch chưa được ưu tiên đầu tư.
Nhận thức rõ những hạn chế, khó khăn trên, huyện Đồng Văn, xã Sủng Là đã có những giải pháp thực hiện căn cơ hơn trong thời gian tới, với quyết tâm xây dựng, đưa LVH du lịch Lũng Cẩm thành điểm đến hấp dẫn trên Cao nguyên đá.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
(Nguồn: Báo Hà Giang điện tử)