Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối.
Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu ở đây mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang.
Vùng này có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, công, trĩ, tê tê, và nhiều loại chim thú phong phú khác.
Mùa hoa tam giác mạch đã về trên khắp các cung đường lên Lũng Cú, Hà Giang rồi em có nghe chăng.
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của các tỉnh vùng cao phía Bắc với vẻ đẹp miên man, hoang dại. Hoa thường nở rộ nhất vào dịp cuối thu, khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hàng năm.
Thật tình cờ, ngày sau khi những thửa ruộng bậc thang bước vào thu hoạch thì cũng là lúc màu vàng ấy được thay thế bằng sắc hồng say đắm của những cánh đồng hoa tam giác mạch.
Độ này, trên khắp các rẻo cao phía Bắc, ở đâu cũng có tam giác mạch. Ở Lào Cai, hoa mọc nhiều ở các huyện phía bắc như Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương.
Ở Cao Bằng, Trà Lĩnh – Trùng Khánh là hai điểm trồng nhiều tam giác mạch. Nhưng Hà Giang mới là nơi hoa mọc nhiều và đẹp nhất.
Những ngày cuối tuần, dọc quốc lộ 4C hay còn gọi là con đường Hạnh Phúc, người đi phượt, người đi ngắm hoa, người đi chụp ảnh nườm nượp đổ về đây đông như trảy hội, trong đó không ít người lặn lội từ tận miền trong. Sủng Là, Lũng Cú, Hoàng Su Phì, Phó Bảng, Đồng Văn và đặc biệt là xã Phàn Thẻng, huyện Xín Mần là những điểm “đóng đinh” trên bản đồ tam giác mạch Hà Giang.
Dù ở đâu, hoa tam giác mạch cũng đẹp như tranh vẽ.