fbpx
Tin tức

Người tiên phong, góp công làm nên du lịch Hà Giang

Với những nét riêng có, Hà Giang đã và đang từng bước định vị thương hiệu du lịch không chỉ trong nước mà còn trên bản đồ quốc tế.

Để Hà Giang có được diện mạo của ngày hôm nay, có lẽ phải kể đến công sức của những con người “dám dấn thân”, hy sinh cho ngành du lịch tỉnh nhà. Để hiểu về hành trình phát triển cũng như sự đổi thay của du lịch Hà Giang, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quốc Sử – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang – một trong những người tiên phong, góp công làm nên du lịch Hà Giang.

Ông Đặng Quốc Sử – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang. Ảnh: N.Đ

Được biết, ông là một trong những người tiên phong, xây dựng những viên gạch đầu tiên cho ngành du lịch Hà Giang, ông có chia sẻ gì về những khó khăn từ những ngày đầu Hà Giang phát triển du lịch?

Tôi có cơ duyên đến với Hà Giang và cũng đã gắn bó với mảnh đất này từ khi Hà Giang còn rất hoang sơ, nghèo nàn, đời sống bà con vô cùng khó khăn. Thời điểm đó vào những năm 2000, tức cách đây 25 năm, khi đó tôi làm việc tại Sở Thương mại và Du lịch Hà Giang.

Trong hơn 20 năm từ ngày du lịch Hà Giang bắt đầu manh mún đón những vị khách đầu tiên, ngành du lịch tỉnh đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, mọi thứ gần như là con số 0. Đơn cử như khó khăn đồng bộ về hạ tầng, về thị trường khách du lịch trong và ngoài nước, về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất dịch vụ kinh doanh du lịch, các sản phẩm du lịch đặc thù…

Nhận thấy tiềm năng từ mảnh đất có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Hà Giang lại là tỉnh có bề dày giá trị văn hoá các dân tộc vô cùng đặc sắc, đã khiến những người làm du lịch như chúng tôi đau đáu và mong muốn đóng góp gì đó cho mảnh đất này. Và rồi những vị khách đầu tiên của Hà Giang đã được chúng tôi tiếp đón.

Thời đó, hễ cứ có khách là anh em chúng tôi dẫn vào từng thôn bản, ăn ở cùng bà con, vì lúc đó còn chưa có dịch vụ lưu trú. Đáng mừng là du khách rất thích thú khi cùng bà con trồng cây, cấy lúa, hoà mình vào thiên nhiên. Và ý tưởng làm du lịch cộng đồng của chúng tôi “nảy mầm” từ ngày đó.

Cũng chính từ việc phát huy các giá trị văn hoá bản địa, Hà Giang dần hình thành được thương hiệu và lối đi riêng. Ảnh: TTXTDLHG
Sau khi nghiên cứu, tham khảo cách làm homestay từ một số nước và xác định để khách đến cần có chỗ ăn ở “hiện đại”, tôi đã phải tự bỏ tiền ra làm homestay, mục đích để phục vụ du khách. Nhờ đó, lượng khách tăng dần, đặc biệt có cả những khách quốc tế.

Xác định tiềm năng từ du lịch cộng đồng, chúng tôi đã hướng dẫn bà con thực hiện mô hình này và phát triển mạnh mẽ cho đến hiện nay. Cũng chính từ việc phát huy các giá trị văn hoá bản địa, Hà Giang dần hình thành được thương hiệu và lối đi riêng. Du lịch Hà Giang ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

 cơ duyên gắn bó ngay từ những ngày đầu với du lịch Hà Giang, ông có thể chia sẻ về dấu ấn sự phát triển du lịch của tỉnh?

Có thể nói, du lịch Hà Giang đã và đang ngày càng khẳng định được vị thế trong ngành. Một trong những kết quả nổi bật, năm 2024 Hà Giang đón 3.286.000 lượt du khách. Trong đó 400.340 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 2.885.660 lượt người, tổng thu từ du lịch ước đạt 8.149 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025 đón trên 3,5 triệu lượt khách, tăng 16% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Và có lẽ, để du lịch Hà Giang có sự bứt phá như ngày nay phải kể từ dấu mốc đáng nhớ năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam. Sau thời điểm này, du khách trong và ngoài nước đã biết đến hình ảnh về một Hà Giang với thiên nhiên hùng vĩ, một Hà Giang bản sắc và thân thiện.

Hoa tam giác mạch đã mang lại sức sống mới trên cao nguyên đá Đồng Văn, cũng là sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: TTXTDLHG
Cũng từ đó, ngành du lịch Hà Giang dần dần phát triển và thay đổi tích cực từ khâu xây dựng, tạo lập nên các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn và mang tính riêng có của tỉnh đến những sản phẩm mang tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên những lựa chọn đa dạng hơn cho thị trường khách trong và ngoài nước.

Vào năm 2023, Giải thưởng World Travel Awards lần thứ 30 danh giá đã xướng tên Hà Giang – “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, đã góp phần không nhỏ khẳng định được vị thế của du lịch Hà Giang với du lịch thế giới. Năm 2024, trong Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2024 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương, tỉnh Hà Giang cũng được vinh danh là điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á.

Từ những dấu ấn đầu tiên đánh dấu sự phát triển của du lịch Hà Giang đến những giải thưởng danh giá mà du lịch tỉnh đạt được đã thể hiện được thành quả đáng tự hào, những nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để khẳng định và đưa du lịch Hà Giang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, du lịch Hà Giang đã khẳng định được thương hiệu không chỉ ở bản đồ du lịch trong nước mà còn trên bản đồ du lịch quốc tế. Ông có kiến nghị gì để thúc đẩy phát triển du lịch Hà Giang hơn nữa trong thời gian tới?

Hà Giang là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Hà Giang có không ít những giá trị đặc biệt riêng có về tiềm năng thiên nhiên hùng vĩ với bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Trong những năm qua, nhằm phát huy các giá trị về thiên nhiên và văn hoá, tỉnh Hà Giang đã không ngừng đổi mới và xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trong cả nước và ngoài nước.

Là người trực tiếp công tác trong ngành du lịch, tham gia trực tiếp các hoạt động quản lý du lịch, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong ngành du lịch Hà Giang, tôi cho rằng trong thời gian tới ngành du lịch tỉnh nhà cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ trong việc phát triển các sản phẩm du lịch một cách bền vững dựa trên những yếu tố, giá trị văn hoá cốt lõi của cộng đồng các dân tộc Hà Giang.

Đến Hà Giang, du khách không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn được tận hưởng không khí trong lành, bình yên giữa núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Đ.N

Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng của đội ngũ nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch và các dịch vụ phục vụ cho du lịch. Đáp ứng nhu cầu của đa dạng thị trường khách du lịch hướng đến hệ thống chất lượng, dịch vụ trách nhiệm và chuyên nghiệp.

Là người đã có nhiều năm gắn bó với Hà Giang, với ngành du lịch Hà Giang, tôi luôn mong muốn ngành du lịch tỉnh ngày càng phát triển theo hướng bền vững, người dân Hà Giang sẽ được nhận những giá trị tích cực, thiết thực từ phát triển du lịch mang lại. Bên cạnh đó, tôi luôn cố gắng, nỗ lực cùng du lịch của tỉnh vươn xa hơn nữa để hình ảnh về một Hà Giang hùng vĩ, bản sắc và thân thiện sẽ được lan toả rộng rãi hơn đến thị trường du khách các quốc gia trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

  • Đỗ Nga – Bình Nguyên
  • ———————————
  • Liên hệ đặt tour và đặt vé:
  • Trung tâm TTXTDL Hà Giang
  • Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
  • Hotline: 1900561276
  • #discoverhagiang
  • #ubuk