Năm qua, du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc với các sự kiện lớn, độc đáo, thu hút đông đảo du khách xa gần đến Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) – Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn. Qua đó, sản phẩm du lịch Hà Giang được quảng bá rộng rãi đến các tỉnh, thành phố trong cả nước và du khách quốc tế. Phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch về nhưng nét đột phá trong năm 2017.
PV: Xin đồng chí cho biết, trong năm qua lĩnh vực du lịch của tỉnh nhà có những thành tựu và đổi mới về chính sách phát triển như thế nào?
Đ/c Nguyễn Hồng Hải:
Năm 2017, du lịch của tỉnh tiếp tục đạt được những thành quả nổi bật. CVĐCTC – CNĐ Đồng Văn được quy hoạch Khu du lịch Quốc gia, theo Quyết định 2057/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay tỉnh đang thực hiện các khuyến nghị của mạng lưới CVĐCTC chuẩn bị tốt công tác tái đánh giá danh hiệu CVĐCTC vào năm 2018.
Công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh, đặc biệt là Hội nghị Xúc tiến du lịch “Hùng vĩ Hà Giang” tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; Chương trình phát động thị trường tại Nhật Bản. Tổ chức đoàn khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đã thu hút được sự quan tâm các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các hãng truyền thông và khách du lịch. Cũng trong sự kiện này, Hà Giang đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố lớn du lịch phát triển như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu… Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch, Chi hội Lữ hành được thành lập, góp phần thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp tại các địa phương trong cả nước.
Với ấn tượng của phim quảng bá “Trái tim của đá”, ngành còn tích cực tham dự Hội chợ du lịch, tổ chức các lễ hội, sự kiện như: Lễ hội Lồng Tồng; Lễ hội chợ tình Khâu Vai, Giải bán marathon “Chạy trên cung đường Hạnh phúc”, Lễ hội Hoa Tam giác mạch… hình ảnh du lịch Hà Giang được quảng bá rộng rãi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó được thể hiện bằng các con số không ngừng tăng, khách du lịch đến Hà Giang ước đạt hơn 1 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế 169.689 lượt người, tăng 20% so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch đạt 913,6 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2016. Chất lượng và số lượng phòng nghỉ của các cơ sở lưu trú ngày càng được nâng lên, tình hình an ninh – trật tự được đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lưu trú trong quá trình tham quan tại các khu, điểm du lịch. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 239 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 3 sao, 20 khách sạn 2 sao, 44 khách sạn 1 sao, 137 nhà nghỉ du lịch, 37 homestay; công suất sử dụng phòng bình quân đạt 60 – 70 %, tăng 56 cơ sở so với năm 2016.
Hà Giang đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có như: Tour “Chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi”; Dù lượn trên Cao nguyên đá; Tour hẻm vực Tu Sản; Tour khám phá Bắc Mê – Na Hang; Tour khám phá động Lùng Khúy; Ẩm thực vùng cao, 8 Làng Du lịch văn hóa tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí theo tuyên bố Panhou… Ngành chú trọng tham mưu xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc sản trở thành mặt hàng chủ lực phục vụ du lịch như: Chè; mật ong; dược liệu; thực phẩm chế biến từ thịt bò; đan lát, dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế tác; rượu; tam giác mạch, quả hồng.
Thực hiện Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, với hình thức hỗ trợ trực tiếp, đã có 33 công trình, dự án được thụ hưởng chính sách, với số tiền 2 tỷ đồng. Trong đó, có 1 dự án hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; 32 hộ kinh doanh lưu trú homestay. Sự lan tỏa của chính sách đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ.
PV: Trong quá trình đổi mới chúng ta còn gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Hồng Hải:
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và cơ hội, du lịch Hà Giang cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức, cụ thể là: Điểm xuất phát du lịch thấp cả về cơ sở vật chất ban đầu và nhận thức, hiểu biết, trình độ nghiệp vụ về du lịch; là địa phương có điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn; đặc biệt là hệ thống giao thông và cung cấp nước sạch còn yếu kém; chưa tạo được những sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao; sản phẩm du lịch chủ yếu mới chỉ đang dựa trên những gì sẵn có, ít được đầu tư nghiên cứu để khai thác có chiều sâu. Thiếu các doanh nghiệp lớn, có đủ năng lực đầu tư xây dựng các dự án du lịch lớn, tạo chuyển biến cho phát triển du lịch. Hệ thống cơ chế chính sách chậm được đổi mới và hoàn thiện, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng núi cao trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch.
PV: Để lĩnh vực du lịch của tỉnh phát triển hơn trong năm tới, ngành có những giải pháp, bước đi như thế nào?
Đ/c Nguyễn Hồng Hải:
Để lĩnh vực du lịch của tỉnh phát triển hơn trong năm tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động du lịch để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp. Căn cứ vào nguồn lực của địa phương để cân đối mức hỗ trợ cho phù hợp, đồng thời cần có chính sách đủ mạnh để có sự hấp dẫn thu hút đầu tư. Cần phát triển du lịch theo hướng bền vững, coi trọng lợi ích của cộng đồng địa phương. Không xem xét các dự án có tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống. Cần có sự thống nhất, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, dịch vụ và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.
P.V Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
LÊ HẢI (Thực hiện)
(Nguồn: Báo Hà Giang điện tử)