“Du lịch là ngành đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hà Giang. Vậy nhưng hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Hà Giang đã gánh chịu nhiều khó khăn thách thức. Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, du lịch Hà Giang thay đổi chiến lược phát triển từ “không Covid-19” sang sống chung với dịch bệnh, tập trung vào thiết lập mô hình du lịch an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch, khẳng định Hà Giang là điểm đến xanh, an toàn”.
Hiện tại vẫn còn dịch bệnh Covid-19 song người dân và du khách đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh, năng lực ứng phó với dịch bệnh của ngành y tế, ngành du lịch, của các cơ sở lưu trú, dịch vụ đã được nâng cao. Với độ phủ vắc-xin covid 19 cụ thể tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi chiếm gần 97% số dân, tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi chiếm 94,46% số dân. Số người tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi chiếm 90,8% số dân, số người từ 12-17 tuổi: chiếm 77,7% số dân và năng lực ứng phó với dịch bệnh được đánh giá ở mức tốt, cho đến thời điểm hiện tại Hà Giang vẫn được xác định là địa bàn vùng xanh. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để du lịch Hà Giang phục hồi. Và thực tế là trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên dán 2022 vừa qua tổng lượt khách đến Hà Giang ước đạt khoảng trên 86.000 lượt người.
Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính Phủ về thích ứng, linh hoạt, hiệu quả tổ chức các hoạt động trong tình hình mới , đồng thời ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, ngành du lịch tỉnh Hà Giang cũng đảm bảo đáp ứng năm tiêu chí “xanh”, bao gồm: Thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Bên cạnh các quy định về yêu cầu tiêm vắc-xin đầy đủ, có chứng nhận hồi phục sau nhiễm dịch, chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính dành cho những người tham gia du lịch, các đơn vị cần liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch theo tour, dịch vụ khép kín với sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị quản lý du lịch và công ty lữ hành trên cơ sở lên phương án điều hành tour an toàn đối với từng loại hình du lịch.
Song song với đó, tỉnh Hà Giang đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các trang thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh cập nhật thông tin, tình hình hoạt động du lịch của tỉnh, sự kiện của ngành, các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, các chương trình kích cầu du lịch trên trang facebook; đồng thời vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia chia sẻ, giới thiệu các gói sản phẩm mới, sản phẩm kích cầu trên các trang facebook, youtube, twitter, zalo… để tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng; nhiều tour du lịch an toàn được triển khai, đã nhận được sự ủng hộ của du khách.
Du lịch nội địa dần hồi sinh, việc bắt đầu mở cửa đón du khách là những tin vui của ngành du lịch trong những tháng cuối năm 2021 sau thời gian dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Du lịch an toàn đang là sức hấp dẫn lớn nhất của Hà Giang. Trong thời gian tới đây, ngành du lịch Hà Giang tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa thu hút mạnh mẽ hơn nữa khách du lịch đến với Hà Giang. Cụ thể, Hà Giang thực hiện các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, duy trì sự phục hồi ổn định các hoạt động du lịch và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong và sau đại dịch.
Khách du lịch trải nghiệm du thuyền trên sông Nho Quế
Tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, du lịch thông minh, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch: Theo đó, mở rộng, tổ chức chương trình truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Hà Giang điểm đến thân thiện, an toàn hấp dẫn”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo tình hình mới. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tại các thị trường du lịch trọng điểm sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đa dạng hóa các kênh truyền thông: trên cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến; các kênh truyền thông quốc tế lớn…
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp mang tính căn cơ, dài hơi để phục hồi ngành du lịch thì trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Hà Giang sẽ triển khai các hoạt động, giải pháp để thu hút du khách đến với Hà Giang, bằng cách triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid – 19 cho du khách; thực hiện chỉnh trang các điểm du lịch trên địa bàn; duy trì các hoạt động thể thao truyền thông, tổ chức các hoạt động truyền thống như lễ cũng rừng, lễ hội xuống đồng… tuy nhiên sẽ có các điều kiện cụ thể để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; các cơ sở du lịch sẵn sàng đón khách với dịch vụ chất lượng./.
Tuyên Hà