fbpx
Tin tức

Quản Bạ khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng

Là huyện “cửa ngõ” của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Quản Bạ có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như sự đa dạng, đặc sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Tiềm năng, thế mạnh DLCĐ ở Quản Bạ đang dần được đánh thức, mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.

Du khách nước ngoài trải nghiệm trò chơi đẩy gậy tại xã Lùng Tám (Quản Bạ).
Du khách nước ngoài trải nghiệm trò chơi đẩy gậy tại xã Lùng Tám (Quản Bạ).

Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ, huyện Quản Bạ đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 12.10.2015 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020. Qua nhiều năm thực hiện nghị quyết, thực trạng của nền du lịch, dịch vụ đã có nhiều chuyển biến. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, làng văn hóa DLCĐ, điểm du lịch đã được nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Chất lượng, chủng loại các sản phẩm du lịch được nâng lên, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện các phương thức kinh doanh sản xuất, quảng bá sản phẩm, thu hút khách du lịch… Nhờ vậy, nguồn thu nhập và đời sống của người dân làm du lịch đã được nâng cao.

Hiện nay, Quản Bạ đã và đang thực hiện hai đề án xây dựng Làng VHDLCĐ tại thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ), Làng VHDLCĐ dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương (xã Quyết Tiến) và ban hành kế hoạch xây dựng Làng VHDLCĐ dân tộc Mông, thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài. Nặm Đăm là một trong những địa bàn phát triển DLCĐ đầu tiên và hiệu quả của huyện Quản Bạ. Sở hữu nền văn hóa dân tộc Dao đậm đà, người dân nơi đây vẫn giữ được truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua những phong tục, tập quán lao động, sản xuất, các nghi lễ truyền thống, trang phục, kiến trúc nhà ở, trò chơi dân gian và đặc biệt là các lễ hội truyền thống. Với 23 homestay là những ngôi nhà trình tường được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, đáp ứng đủ các loại hình dịch vụ để phục vụ khách du lịch, Làng VHDLCĐ Nặm Đăm nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ du lịch, được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến du lịch, trải nghiệm. Anh Alexander ShaFinSkiy, quốc tịch Nga, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Đến với Nặm Đăm, chúng tôi được trải nghiệm những sinh hoạt hàng ngày cùng người dân nơi đây như làm nương, đi cấy, câu cá, nấu và thưởng thức các món đặc sản của địa phương, trải nghiệm các lễ hội truyền thống. Ngoài ra, dịch vụ tắm lá thuốc, chế biến các loại thảo dược là nét đặc sắc riêng của Làng VHDLCĐ Nặm Đăm…

Để đạt được những khởi đầu thành công cho sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, trong đó bao gồm cả hoạt động DLCĐ, cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ đã đánh giá đúng thực trạng, từ đó, định hướng phát triển dài hạn ngành du lịch, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc trưng văn hóa các dân tộc, đảm bảo an ninh – quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó, quy hoạch tổng thể và chi tiết các làng VHDLCĐ phù hợp với quy hoạch phát triển KT – XH cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Cùng với đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu DLCĐ cũng được chú trọng. Hàng năm, huyện Quản Bạ đều bố trí cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp quản lý du lịch, nghiệp vụ xúc tiến quảng bá, hướng dẫn viên du lịch; tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ các kỹ năng: Hướng dẫn du lịch, tiếng Anh giao tiếp, nấu ăn, buồng phòng… cho người dân tại các làng VHDLCĐ trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được huyện coi là nhiệm vụ then chốt để thực hiện thành công

Có thể khẳng định, sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động DLCĐ đã góp phần bảo tồn những giá trị, không gian văn hóa và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, do lượng khách ngày càng đông, số lượng người dân làm du lịch ngày càng tăng cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, nước sinh hoạt, xử lý rác thải an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường chung, phát triển du lịch một cách lâu dài, bền vững…

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *