fbpx
Tin tức

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch

Thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch (DL) tỉnh Hà Giang đến năm 2025, ngành DL tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực DL, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tại địa phương. Phấn đấu lượng khách đến tỉnh những tháng cuối năm 2020 đạt trên 1,3 triệu lượt người, tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng.

Lớp dạy nấu ăn cho người dân làm homestay xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì). Ảnh: Nguyễn Huyên (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Lớp dạy nấu ăn cho người dân làm homestay xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì). Ảnh: Nguyễn Huyên (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Hiện nay, nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực DL của tỉnh khoảng trên 9.000 người. Trong đó, trình độ từ đại học trở lên là 120 người, cao đẳng, trung cấp 405 người, đào tạo khác 940 người và chưa qua đào tạo là 7.575 người. Tuy tăng về số lượng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do lao động hoạt động trong lĩnh vực DL hiện nay còn ở trình độ thấp, đa số chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu mới qua tập huấn và bồi dưỡng ngắn hạn. Lực lượng lao động có chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cao chưa nhiều, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt yếu về trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin, trong khi đây là những yếu tố giúp tăng khả năng cạnh tranh, thu hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng.

Chính vì vậy, thời gian qua, ngành DL đã phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cụ thể phù hợp với từng đối tượng học viên. Từ đầu năm đến nay, đã mở được 13 lớp cho 449 học viên tham gia, gồm: 2 lớp đào tạo Tiếng Anh giao tiếp cơ bản tại huyện Quản Bạ và Hoàng Su Phì cho 65 người; 3 lớp nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar tại các huyện Bắc Mê, Hoàng Su Phì và Quản Bạ với sự tham gia của 115 người; 2 lớp chế biến món ăn, pha chế đồ uống cho 72 học viên là quản lý và nhân viên phụ trách chế biến món ăn, pha chế đồ uống tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ kinh doanh ẩm thực tại các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì; 4 lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại các huyện Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc và thành phố Hà Giang cho 138 người; 2 lớp kỹ năng phục vụ khách tại các làng du lịch cộng đồng với 59 học viên.

Tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ), để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ DL cho gần 100 lao động tại làng này, trước đây chỉ biết làm nương rẫy bây giờ chuyển qua làm DL. Ngành DL cùng với HTX Du lịch cộng đồng Nặm Đăm đã phối hợp, triển khai nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, nấu ăn, cách làm DL cộng đồng và tổ chức nhiều lớp đi thực tế cho người dân.

Hộ anh Lý Tà Đành, chủ Homestay Lý Đành, chia sẻ: “Thông qua khóa học tôi được học về kỹ năng giao tiếp, học thêm về Tiếng Anh, cách chế biến món ăn, kỹ năng phục vụ khách ăn uống và lưu trú, tổ chức hoạt động trải nghiệm sản xuất, vui chơi giải trí cho du khách. Qua nhiều lớp đào tạo ngắn hạn của tỉnh, huyện đã giúp cho người dân trong thôn có thêm kiến thức để phát triển dịch vụ DL. Thông qua những lớp tập huấn như thế này, chúng tôi còn được cập nhật các phương pháp làm DL mới như sử dụng các mạng xã hội facebook, zalo… để quảng cáo về homestay của gia đình, qua đó thu hút thêm nhiều khách đến lưu trú”.

Tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang), phần lớn các hộ làm homestay đều chưa qua đào tạo về DL. Chị Nguyễn Minh Thư, chủ một homestay mới mở ở đây, cho biết: “Nhờ có các lớp tập huấn của Ngành DL như dạy nấu ăn, nghiệp vụ lễ tân, đón tiếp khách rất hữu ích đối với những người dân làm dịch vụ DL chưa qua đào tạo như chúng tôi. Qua đó, chúng tôi có kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ, làm hài lòng du khách và nâng cao thu nhập”.

Để cụ thể hóa Đề án phát triển nguồn nhân lực DL tỉnh Hà Giang đến năm 2025, các cấp, ngành đã và đang đào tạo, nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin cho các đối tượng là cán bộ, công chức quản lý Nhà nước và cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp về DL; nhân viên quản lý, phục vụ tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ DL, các làng văn hóa DL cộng đồng. Thông qua các khóa đào tạo đã giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý và người dân nắm bắt được các xu thế, biết áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển DL. Qua đó, đáp ứng nhu cầu đón tiếp, phục vụ khách DL trong và ngoài nước khi đến DL tại tỉnh.

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *