fbpx
Tin tức

Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp Hà Giang

Do đặc thù địa hình, khí hậu khá phong phú. Cộng với quá trình hình thành và phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá truyền thống, đã tạo nên cho tỉnh Hà Giang nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, riêng có như: mật ong bạc hà, cam sành, thào quả, chè san tuyết, cây dược liệu.

Tại Nghị quyết  số 11 – NQ/TU ngày 2/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã chỉ rõ “Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết khí hậu quanh năm ôn hoà, mát mẻ; nhiều giá trị văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn đang được giữ gìn và phát huy…là tiềm năng, lợi thế để tỉnh ta đẩy mạnh phát triển du lịch”. Do vậy quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết cũng đã nêu rõ: “Tập trung huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Tăng cường liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hà Giang…phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững…”. Mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 7.800 tỷ đồng.

Với những thuận lợi về tài nguyên, thiên nhiên tỉnh Hà Giang đã và đang chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với cộng đồng. Đây cũng là một trong những thế mạnh được ưu tiên phát triển. Hiện nay, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đang thực hiện với các mô hình sản phẩm cơ bản, như: Mô hình làng văn hóa du lịch tiêu biểu; làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển dược liệu; du lịch cộng đồng theo tiêu chí phân hạng sản phẩm Ocop. Bên cạnh đó, Hà Giang đang hướng tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN. Một số mô hình đang được đầu tư theo hướng chất lượng cao, hình thành hệ thống khu nghỉ dưỡng mi ni gắn với du lịch cộng đồng, như mô hình du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì), hay mô hình tổ hợp dịch vụ du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ).

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp ở Hà Giang:

Địa hình ở Hà Giang chia ra thành ba vùng khá rõ rệt, gồm: Vùng đồi núi thấp: các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê và thành phố Hà Giang. Đây là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang. Địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, khí hậu mát mẻ đã tạo ra cho nơi đây  những vùng canh tác nông nghiệp chủ lực, những dải rừng già xen kẽ. Là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh như: cam, chè, thào quả, lúa, ngô, lạc và dược liệu. Về chăn nuôi chủ yếu trâu, bò, lợn, gà và ngoài ra một số HTX nuôi các loại động vật có giá trị kinh tế lớn như: công, đà điểu, hươu sao; Vùng cao núi đất: hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Địa hình vùng này là núi đất, có độ dốc lớn, chia cắt mạnh. Điển hình của vùng này là các dãy núi cao như Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi. Khu vực này chủ yếu phát triển, sản xuất chè, lúa, thào quả, các loại gia vị và dược liệu. Về chăn nuôi chủ yếu trâu, lợn, gà và dê; Vùng cao núi đá: gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là vùng thuộc Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn. Với diện tích gần 90 % là núi đá vôi, đặc trưng của địa hình karst. Khu vực này chủ yếu là các loại cây ăn quả như: hồng không hạt, lê, mận. Và cây lương thực chủ yếu là ngô. Về chăn nuôi chủ yếu là bò, lợn, gà và nuôi ong lấy mật.

Với ba vùng rõ rệt đã tạo cho Hà Giang ba “mảng màu” về khí hậu, văn hoá, ẩm thực…vừa riêng biệt, vừa có sự đan xen lẫn nhau; hình thành cho Hà Giang nhiều cây nông nghiệp nổi tiếng và phong phú về chủng loại. Không những vậy, những sản phẩm, đặc sản nông nghiệp phần lớn được phân bổ tại những khu vực xã, huyện có tài nguyên du lịch phong phú. Bên cạnh đó, với tiềm năng về điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm nuôi, trồng, sản xuất nông nghiệp bản địa của người dân cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong mấy năm trở lại đây đã tạo ra cho tỉnh Hà Giang có những sản phẩm nông nghiệp được nhiều thị trường trong nước cũng như nước ngoài biết đến như: Chè Shan Tuyết, mật ong Bạc Hà (được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam xác lập là top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam).

Mùa cam sành (ảnh: Chu Việt Bắc)

Với mục tiêu đưa đến cho du khách nhiều trải nghiệm, khám phá khi đến với Hà Giang, tại kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 16/02/2022 về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, mô hình du lịch nông nghiệp – hay còn gọi là sản phẩm du lịch nông nghiệp đã được xác định là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hà Giang.

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại lợi ích kép, vừa mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách, vừa tạo ra việc làm, đa dạng hoá các sản phẩm thương mại, gia tăng thu nhập cho người dân; du lịch là phương tiện quảng bá hình ảnh, nâng cao giá trị của nông nghiệp. Đồng thời, du lịch nông nghiệp còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình sản phẩm Ocop. Do đó, một số loại hình như: xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm Ocop, xây dựng nông thôn mới được chính quyền địa phương tỉnh Hà Giang triển khai đồng bộ, quyết liệt,như: huyện Quản Bạ có mô hình trải nghiệm cấy lúa, tắm thảo dược tại làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm và trải nghiệm làm nông nghiệp tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ); bắt cá chép, cấy, gặt lúa trên ruộng bậc thang tại thôn Nậm Hồng (huyện Hoàng Su Phì), thôn Cốc Pảng (huyện Yên Minh), thôn Chì (huyện Quang Bình). Đặc biệt, một số địa phương đã triển khai tổ chức lễ hội bắt cá chép hàng năm để thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Du khách trải nghiệm cấy lúa cùng bà con

Tuy nhiên, nhìn chung các loại hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở Hà Giang còn mang tính sơ khai, quy mô nhỏ, chủ yếu được cá nhân một vài chủ cơ sở homestay tại làng/thôn giới thiệu và hướng dẫn cho khách trải nghiệm khi khách đến lưu trú tại nhà hoặc thông qua các chương trình, lễ hội tôn vinh các giá trị văn hóa như lễ hội bắt cá, lễ hội Lồng Tồng của người Tày. Thiếu sự liên kết với các đơn vị vận hành tua và chưa có sự hướng dẫn bài bản của chuyên gia trong ngành du lịch để tạo thành sản phẩm khép kín, hoàn chỉnh. Do vậy, du lịch nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở dang khai thác thô, chưa mang đến cho du khách câu chuyện của các loại hình trải nghiệm du lịch gắn với nông nghiệp. Chủ yếu hiện nay ở Hà Giang các sản phẩm nông nghiệp đang được phát triển dưới dạng “hàng hoá” và được triển khai và giới thiệu, phục vụ trong du lịch là sản phẩm hàng hoá giới thiệu, bày bán tại các cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm Ocop tại các điểm dừng chân, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Nguyên nhân tồn tại, hạn chế:

 Hiện tại ở Việt Nam các tài liệu liên quan tới chủ đề du lịch nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu các chuyên gia, nhà nghiên cứu mới chỉ tập chung và nhắc nhiều tới du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử. Mô hình du lịch gắn với nông nghiệp tuy có phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước như: Cần Thơ, Lâm Đồng, Nghệ An, Sơn La…nhưng phần lớn mang tính thời vụ, do vậy chưa xây dựng được thương hiệu. Và đôi khi, ở đâu đó, một số người làm du lịch vẫn nhầm lẫn giữa du lịch cộng đồng với du lịch nông nghiệp hoặc giữa du lịch sinh thái với du lịch nông nghiệp. Thậm chí, một số người cũng đã và đang nhầm lẫn việc sản xuất ra các sản phẩm Ocop như chè, mật ong, tinh bột nghệ chính là “du lịch nông nghiệp”. Do vậy, trong quá trình hình thành và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp ở tỉnh Hà Giang, cũng không nằm ngoài những tư duy và hạn chế đó.

Một số giải pháp cho sản phẩm du lịch nông nghiệp ở Hà Giang:

Trên cơ sở thực tiễn của tỉnh Hà Giang, cũng như thông qua nghiên cứu các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp ở trong và ngoài nước. Để du lịch nông nghiệp của tỉnh Hà Giang được triển khai một cách hiệu quả hơn, khai thác được hết những tiềm năng hiện có, tỉnh Hà Giang cần nghiên cứu một số giải pháp như:

Thứ nhất: Tỉnh Hà Giang cần có quy hoạch cụ thể vùng/làng phát triển mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp, để từ đó tập trung mọi nguồn lực đầu tư. Đồng thời, trong quá trình quy hoạch, xây dựng cần tính đến sự khác biệt, tính lâu dài cho sản phẩm; dịch vụ giữa địa phương này với địa phương khác, điểm đến này với điểm đến khác… để tránh sự cạnh tranh nội bộ cũng như có đủ nguồn lực đầu tư trở thành thương hiệu của tỉnh.

Thứ hai: Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương và người dân: các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch (lữ hành) cần xác định người nông dân là chủ thể trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông thôn. Vì, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sự bền vững của sản phẩm, sự đa dạng phong phú của sản phẩm, người trình diễn các hoạt động phục vụ khách du lịch, văn hoá của địa phương, sản vật địa phương…đều chủ yếu liên quan đến người nông dân. Ngoài ra, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch; kết nối các doanh nghiệp tới với các hộ dân và những công ty có khả năng về tài chính cũng như số lượng khách đông nên nhận đỡ đầu cho ít nhất một hộ dân hoặc một hoạt động trải nghiệm nào đó phục vụ cho du lịch nông nghiệp tại địa phương.

Thứ ba: Trên nền tảng xác định phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương đã được đưa ra tại Nghị quyết số 11. Tỉnh Hà Giang cần đề ra các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như giúp hộ nông dân tham gia làm du lịch tiếp cận nguồn vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cũng như xây dựng các chuỗi giá trị trải nghiệm du lịch gắn với nông nghiệp…để tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, có chiều sâu về “câu chuyện kể” và có tính bền vững. Đáp ứng được ba yếu tố tối thiểu cho một sản phẩm du lịch, đó là: an toàn, hấp dẫn, mang lại cảm xúc tích cực thông qua việc trải nghiệm sản phẩm thông qua các giác quan: xúc giác, vị giác, thị giác và thính giác .

  • Tác giả: Hương Miền Tây
  • ———————————
  • Liên hệ đặt tour và đặt vé:
  • Trung tâm TTXTDL Hà Giang
  • Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
  • Hotline: 1900561276
  • #discoverhagiang
  • #ubuk
  •