Bản đồ cung đường Hạnh Phúc. Nguồn Hiệp hội du lịch Hà Giang
Con đường máu và hoa
Đường Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với 4 huyện phía bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) đã đi vào lịch sử là đại công trường ghi nhận cuộc trường chinh của tuổi trẻ Việt Nam chiến thắng sự khốc liệt của cao nguyên đá.
Được khởi công từ 9/1959, từ hàng ngàn quả đồi núi trập trùng dựng đứng, hàng trăm vực sâu dốc thẳm, sau gần 6 năm vạt núi, xẻ đồi, san khe đá chung sức của hàng vạn thanh niên xung phong và dân công từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương), toàn bộ con đường dài 185km chính thức hoàn thành vào tháng 3/1965.
Họ mở đường với dụng cụ lao động thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít…, trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu thốn về vật chất, cùng với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt. Đoạn khó khăn nhất của con đường chỉ có 21km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc nhưng phải mất gần 2 năm vất vả thi công. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pì Lèng. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường.
Không thể kể hết được những khó khăn gian khổ trong suốt gần 6 năm xẻ núi mở đường; không thể nói hết được những nhọc nhằn, sự hi sinh thầm lặng của anh chị thanh niên, công nhân quyết tâm xây dựng con đường. Không thể quên 14 thanh niên nam nữ đã nằm lại nơi trập trùng đá xám. Máu đã đổ để hình thành con đường lịch sử.
Sau 6 năm xây dựng với bao khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, con đường dài gần 200km đã được hình thành với khát vọng lớn lao mang lại đổi thay cho vùng đất giáp biên nghèo khó nơi cực Bắc Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, năm 1965 Bác Hồ kính yêu đã đặt tên là Con đường Hạnh Phúc. Con đường nối liền khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, đem lại ánh sáng văn minh, giao thương phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội cho đồng bào các dân tộc đã bao đời “sống trong đá chết vùi trong đá” nơi biên cương Tổ quốc. Hoa đã nở trên cao nguyên đá tai mèo. Cuộc sống đồng bào nơi đây đã đổi thay từng ngày.
… và con đường du lịch
Ngày nay con đường này là được gọi là con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam gắn liền với các địa danh du lịch nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, dốc Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ, Vách đá trắng… đồng thời là giao thông kết nối tới tất cả các điểm di sản, di tích, danh thắng vùng công viên địa chất, thu hút đông đảo khách du lịch và giới trẻ trong và ngoài nước ưa mạo hiểm.
Trải nghiệm con đường Hạnh phúc tới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ dừng lại những cánh đồng hoa tam giác mạch nở trên đá, khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà còn hiểu về công trình phá đá mở đường bằng ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết của thế hệ đi trước.
Gần 200 km chạy dài xuyên rừng, vượt núi, có hàng trăm đoạn đường khúc khuỷu, cua tay áo, đó là biểu hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên, là niềm tự hào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đi trên những cung đường ngoằn nghèo, đứng giữa thung lũng ngô xanh mướt trải ngút ngàn như tấm thảm, hoặc đứng trên đỉnh núi Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn như giải lụa mềm dưới vực sâu – một cảm giác thiêng liêng, yêu người dân nơi đây, yêu Tổ quốc Việt Nam đến vô cùng.
Một số hình ảnh trải nghiệm địa danh trên đường Hạnh Phúc – Con đường Máu và Hoa
Cầu Gạc Đì – điểm đầu của con đường Hạnh Phúc (phường Quang Trung, thành phố Hà Giang). Ảnh TITC
Dốc Bắc Sum. Ảnh TITC
Dốc Thẩm Mã. Ảnh TITC
Vách đá trắng. Ảnh TITC
Sông Nho Quế nhìn từ đèo Mã Pì Lèng. Ảnh TITC
Km0 tại thị trấn Mèo Vạc – điểm kết thúc đường Hạnh Phúc. Ảnh TITC
Nghĩa trang Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc. Ảnh TITC
Bảo tàng con đường Hạnh Phúc. Ảnh TITC
Cụm tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc. Ảnh TITC
Trung tâm Thông tin du lịch (vietnamtourism.gov.vn)