Ngày 21.12, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn là toàn bộ Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ, với tổng diện tích 232,606 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển các dịch vụ du lịch rộng khoảng 2.000 ha.
Mục tiêu đến năm 2020 đón 800 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 130 nghìn lượt. Đến năm 2025 đón 950 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 250 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón 1,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 380 nghìn lượt; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2020 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, về phát triển thị trường khách du lịch, với khách du lịch nội địa, tập trung khai thác thị trường khách từ thủ đô Hà Nội, các đô thị trong vùng đồng bằng sông Hồng, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, như: Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; từng bước mở rộng các thị trường lớn ở miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… Chú trọng khách du lịch tham quan di sản địa chất, sinh thái, giáo dục địa chất, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, đô thị và sự kiện, vui chơi giải trí.
Với khách du lịch quốc tế, ưu tiên phát triển thị trường khách có khả năng chi tiêu cao: Tây Âu (Pháp, Đức, Anh…), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng thị trường đến từ các nước ASEAN (Lào, Bắc Thái Lan, Campuchia), Đài Loan, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Chú trọng khách du lịch nghiên cứu, tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá cảnh quan, giá trị Công viên địa chất toàn cầu, sinh thái nông nghiệp đặc thù và thể thao mạo hiểm.
Về phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch địa chất; du lịch cộng đồng; du lịch thiên nhiên; đề xuất một số sản phẩm du lịch đặc thù: Một ngày của Pao; Chợ tình Khâu Vai; Một ngày với vua mèo tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương; Một ngày làm nương rẫy với người Mông ở Mèo Vạc; Phố đi bộ và lễ hội phố cổ Đồng Văn; Du lịch thể thao mạo hiểm khinh khí cầu, dù lượn; Du lịch khám phá sông Miện.
Hình thành 5 phân khu du lịch chính: 1- Phân khu du lịch công viên văn hóa Thanh niên xung phong (thôn Xéo Sả Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc): Phát triển trên cơ sở lấy tượng đài Thanh niên xung phong làm trung tâm và mở rộng các chức năng thành khu công viên văn hóa, tâm linh; 2- Phân khu du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng (thuộc hẻm vực Tu Sản): Phát triển du lịch thể thao mạo hiểm; 3- Phân khu du lịch lòng hồ thủy điện Thái An (thuộc xã Thái An, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ, thể thao, vui chơi giải trí mặt nước; 4- Phân khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ (thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và khai thác các tiềm năng về dược liệu; 5- Phân khu du lịch sinh thái Nặm Đăm (thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái.
Quy hoạch cũng nêu rõ định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Cụ thể, về cơ sở lưu trú, ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú tại các trung tâm du lịch Đồng Văn (khống chế tầng cao tại khu vực bảo tồn), Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; Khối nhà nghỉ dưỡng tại thị trấn Tam Sơn, thị trấn Yên Minh, các phân khu: Chăm sóc sức khỏe Quản Bạ, sinh thái Nặm Đăm, lòng hồ thủy điện Thái An; phát triển loại hình cơ sở lưu trú tại nhà dân (Homestay) tại các trung tâm du lịch Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và các điểm du lịch cộng đồng.
Tập trung phát triển khu vui chơi giải trí đêm cao cấp tại các thị trấn Tam Sơn, Yên Minh; Chợ đêm, phố du lịch đêm tại các thị trấn Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; Công viên chuyên đề, thể dục thể thao tại thị trấn Yên Minh; Khu thể thao gắn với sông nước trên hồ thủy điện Thái An; Khu thể thao mạo hiểm tại Mã Pì Lèng.
Xây dựng các tổ hợp dịch vụ tại các điểm dừng chân; các cơ sở thương mại dịch vụ tại các trung tâm du lịch; các khu dịch vụ bán hàng lưu niệm đạt chuẩn tại các phân khu, điểm du lịch. Phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng, chợ văn hóa, du lịch phát triển tại khu vực trung tâm đón tiếp.
Phan Mạnh
(Nguồn: Báo Hà Giang điện tử)