fbpx
Tin tức

Nét độc đáo trong nghệ thuật Khèn của người Mông ở Hà Giang

Người Mông là dân tộc chiếm số đông và phân bố rộng khắp trên 11 huyện, thành phố ở Hà Giang. Trải qua quá trình quần cư, lao động sản xuất, người Mông ở Hà Giang đã sáng tạo, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó không thể không nhắc tới nghệ thuật Khèn – một nhạc cụ đặc trưng trong đời sống tâm linh và sinh hoạt động đồng của dân tộc Mông.

Khèn – Tiếng Mông gọi là Kênhx gắn với truyền thuyết mang tính nhân văn sâu sắc. Chuyện kể rằng xưa có hai vợ chồng già người Mông sinh được 7 anh em, trong đó có 6 người con trai và một cô gái, ai cũng khỏe mạnh, có tài săn bắn, hái lượm, thêu thùa, ca hát và luôn hiếu thảo với cha mẹ. Khi người mẹ do tuổi cao sức yếu qua đời, người cha cùng bảy anh em thương tiếc, đau buồn khóc đến không muốn ăn, muốn ngủ và rồi người cha kiệt sức cũng qua đời. Mất mẹ, nay lại thêm nỗi đau mất cha, bảy anh em càng buồn hơn. Họ khóc ngày, khóc đêm đến khản tiếng, mất giọng không nói thành lời. Thương tình trước sự hiếu thảo của bảy anh em, Bụt hiện lên bảo rằng: “Các con hãy làm một cái bầu và khoét lỗ, lấy 6 ống trúc luồn vào để một người thổi là cả 6 ống đều than khóc, còn cô em gái thì gộp vào ống trúc của người anh cả để cùng than khóc cha mẹ và trông coi việc thực hiện phong tục tập quán của sáu người anh trai”…Cũng từ đó cây Khèn được ra đời, cây khèn có 6 ống trúc nhưng có 7 cái lam đồng tượng trưng cho 7 anh em.

Khèn Mông thuộc bộ hơi, bầu khèn (thân khèn) làm bằng gỗ từ cây thông núi đá và các ống trúc. Gỗ để làm bầu Khèn có thớ gỗ thẳng, không cong vênh, không mối mọt, chiều dài của bầu khèn khoảng 80cm. Ống trúc tốt để làm khèn phải là những cây trúc thẳng đẹp có từ hai đến ba năm tuổi trở lên. Người Mông ở Hà Giang thường chọn các đoạn trúc thẳng và ngắn hơn so với các cây khèn của người Mông ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Các ống trúc có kích thước như sau: ống dài nhất khoảng 100 – 120cm, ống dài thứ hai khoảng 85cm – 105cm, ống thứ ba dài khoảng 80cm – 100cm, ống thứ tư dài khoảng 60cm, ống thứ năm dài khoảng 55cm và ống thứ sáu dài khoảng 40cm. Sau khi chuẩn bị được bầu khèn và 6 ống trúc, người thợ tiến hành chuẩn bị đai để níu buộc chặt bầu khèn và ống trúc. Đai khèn được làm từ vỏ cây đào rừng, loại vỏ cây này rất dai và chắc. Những chiếc đai khèn màu đen nâu này nổi bật trên nền các ống trúc màu vàng óng vừa có tác dụng trang trí làm cho cây khèn đẹp hơn vừa có tác dụng giữ cho bầu khèn, ống khèn chắc chắn. Trước khi lồng ống 6 trúc vào thân khèn, phải khoét lỗ thông nhau trên bầu khèn. Việc luồn các ống trúc vào bầu khèn phải khít vào nhau không để lọt khí vào trong như vậy âm thanh của khèn mới đảm bảo độ vang, trầm bổng, sâu lắng. Cứ như vậy người thợ tiếp tục khoét các lỗ bầu khèn từ trên xuống dưới thành 6 lỗ mỗi bên, tổng cộng là 12 lỗ trên bầu khèn để có thể luồn các ống trúc qua. Trong chiếc Khèn Mông bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng hay còn gọi là lưỡi gà. Đây được coi là thanh quản của cây Khèn. Miếng lam đồng với độ dài ngắn, dày mỏng khác nhau cũng sẽ cho ra những âm thanh với độ cao thấp khác nhau của tiếng khèn. Muốn thổi phát ra âm thanh, người thổi phải dùng hai bàn tay giữ khèn, đồng thời các ngón tay bịt các lỗ lại. Hơi thổi vào khèn sẽ xuyên qua lưỡi gà phát ra âm thanh. Thổi vào hoặc hít ra sẽ tạo âm thanh trầm bổng khác nhau. Các ống song song sẽ phát âm đôi như nhau. Tùy kỹ năng của người thổi theo hợp âm, hòa âm, đánh chồng âm, vỗ, luyến, ê a, … mà tạo nên những khúc nhạc thu hút. Nhạc cụ Khèn Mông không đủ 7 nốt nhạc nên phải sử dụng kĩ thuật bấm, nhả các nốt khèn tạo ra âm cộng hưởng để tạo thành tiếng, âm thanh, thành bài khèn…. Cây khèn là nhạc cụ độc đáo có thể phát ra âm thanh theo cả hai chiều thổi hơi ra và hít hơi vào. Tiếng khèn miên man không dứt thể hiện kỹ thuật khéo léo, điều tiết cả hai luồng hơi. Trong đó bầu khèn chính là không gian cộng hưởng âm và là nơi cân bằng áp suất giữa các ống khèn. Lượng hơi vừa đủ đi qua lỗ lam đồng tạo cho lưỡi lam rung động phát ra âm thanh.

Tiếng khèn ngày càng được chau chuốt, chỉn chu hơn với những âm điệu quyến rũ, nồng nàn và sâu lắng. Ban đầu cây khèn chỉ đơn thuần dùng để thổi, về sau người Mông với bản tính vô tư, trong sáng yêu đời họ đã sáng tạo thêm những điệu múa phối hợp cùng với tiếng khèn. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… với tốc độ càng nhanh thì càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau giúp cho người xem được thưởng thức cùng lúc cả âm thanh lẫn hình ảnh. Khèn không chỉ dành riêng cho các chàng trai Mông thổi và múa mà còn múa cùng với các thiếu nữ Mông. Múa đôi trai gái thường đá gót chân vào nhau, lướt đều và quay đổi chỗ cho nhau. Càng múa tiếng khèn càng hay, các điệu múa và tiếng khèn ngày càng hòa quyện vào nhau không thể tách rời. Người Mông quan niệm: Là con gái Mông phải biết may vá, dệt vải và thêu thùa. Là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Vì vậy, con trai Mông ngay từ nhỏ đã được người lớn dạy cho cách thổi khèn và múa khèn. Tiếng khèn như một phương tiện âm nhạc để người Mông thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình, thay lời tương tư giữa trần gian và cõi tâm linh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù vui hay buồn, dù trời nắng hay mưa, trời tối hay sáng người Mông cũng dùng tiếng khèn để phản ánh những hiện thực trên. Người Mông quan niệm rằng dù đi đâu hay sống ở đâu cũng không thể thiếu được cây khèn. Khèn vừa dùng để thổi, vừa là đạo cụ để múa. Múa khèn với các vũ đạo đẹp tài hoa, dũng mãnh và trữ tình thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông.

Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà âm điệu tiếng Khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Tiếng khèn trong lễ hội vui như: Gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn…. Trong đám ma tiếng khèn chậm và trầm để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới. Trong các dịp tổ chức lễ hội hay trong các nghi lễ truyền thống dân tộc khèn được các nghệ nhân cao tay dân tộc Mông sử dụng để thể hiện các bài tế trời đất, thần sông thần núi, tổ tiên ông bà hoặc dâng lễ vật lên thần linh…. Khèn Mông ngày nay còn được các chàng trai Mông khoác bên mình khi xuống chợ. Sau bữa rượu thắng cố và mèn mén bên bạn hiền, tiếng khèn điệu múa của các chàng trai, cô gái Mông lại được cất lên như suối reo, gió ngàn giữa thiên nhiên bao la. Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà qua đó còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, sự can trường, dũng cảm bám trụ trên vùng cao nguyên đá khốc liệt đầy sương gió của núi rừng.

Khèn Mông có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương. Khèn Mông được coi như phần hồn, là ngôn ngữ thứ hai của dân tộc Mông. Người Mông cho rằng nếu dân tộc Mông không có Khèn thì coi như không phải là người Mông. Với những giá trị văn hóa độc đáo của mình, năm 2015 nghệ thuật Khèn của người Mông ở Hà Giang được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Hà Giang, văn hóa truyền thống dân tộc Mông, trong đó có Khèn Mông luôn được các cấp, các ngành và cộng đồng dân tộc Mông chú trọng bảo tồn và phát huy phục vụ nhu cầu sáng tác, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng và ngày nay Khèn Mông còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế./.   

Ngọc Hoài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *