Ngày 24/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Chính trị – Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu T.Ư (tại Nhà Quốc hội) đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa. Tham dự Hội nghị trực tiếp và tại các điểm cầu có gần 600 đại biểu từ các bộ, ngành, các văn nghệ sĩ và đại diện các tổ chức chính trị – xã hội trong cả nước
Tại điểm cầu Hà Giang có các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể; lãnh đạo Huyện ủy, Thành ủy và đại diện các cơ quan liên quan tại các điểm cầu.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Giang
Mục tiêu xây dựng văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. Hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội nghị, báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, báo cáo có nêu rõ: sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng trong nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hóa đạt được kết quả tích cực; việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; Bản sắc, giá trị văn hóa con người Việt Nam tiếp tục kế thừa phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh nhất là do đại dịch Covid-19 cuối năm 2019 đến nay; tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu T.Ư (Ảnh: Kinhtedothi.vn)
Với mục tiêu xây dựng văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng văn hóa tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Báo cáo đã đưa ra một số định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới. Cụ thể như tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn mới là quán triệt đầy đủ trong nhận thức, triển khai đồng bộ, sâu rộng trong thực tiễn cả 5 quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trong đó, tập trung lưu ý một số quan điểm sau: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung; Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; Xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân; Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng…
Cùng với đó là 10 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới được đưa ra cụ thể như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực then chốt, đặc thù…
Tham luận tại Hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống – lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị (Ảnh: Kinhtedothi.vn)
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030
Tại Hội nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày nội dung về tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Với quan điểm cụ thể trong chiến lược, cùng các mục tiêu tổng quát như: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người. Để đạt được các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, chiến lược cũng đã đưa ra các giải pháp như: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu cũng đã có nhiều tham luận với nội dung nhằm khắc phục những bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực phát triển văn hóa, đồng thời, đề xuất giải pháp để phát triển những tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực văn hóa của mỗi địa phương, đơn vị.
Đây là lần thứ 3 một hội nghị văn hóa được gọi tên Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, từ đó đến nay đã có nhiều hội nghị lớn về văn hóa, cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa là lĩnh vực rất được coi trọng, đặt ngang hàng với lĩnh vực kinh tế, chính trị, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
An Nhiên