Cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì 23 km về phía bắc, chúng tôi đến với xã Pờ Ly Ngài, nơi đây hoạt động sản xuất chủ yếu của bà con là nông nghiệp, tuy điều kiện về tự nhiên, giao thông đi lại còn khó khăn, nhưng bà con vẫn luôn cố gắng khắc phục khó khăn vươn lên đảm bảo cuộc sống được ổn định và giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tại Pờ Ly Ngài, dân tộc Nùng chiếm 95% dân số tại địa phương với một số bản sắc văn hóa truyền thống vẫn còn được bà con lưu giữ. Đặc biệt, nơi đây còn được biết đến với một nghề thủ công truyền thống vẫn còn được duy trì và phát triển đó chính là nghề Chạm khắc bạc của người Nùng.
Với đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỉ, cùng với sự kiên trì, chăm chỉ học hỏi của người thợ Chạm bạc đã tạo ra rất nhiều các món đồ trang sức tinh xảo, có họa tiết vô cùng độc đáo và mang ý nghĩa gần gũi với thiên nhiên, với đời sống của bà con nơi đây. Một bộ trang sức đầy đủ có khoảng trên chục loại khác nhau như: vòng tay, vòng cổ, khuyên tai, khuy cài khăn và áo, nhẫn đeo tay.v.v… Với 1 người thợ quen tay nghề thì trong 1 ngày có thể hoàn thiện được từ 2 đến 4 sản phẩm trang sức khác nhau có họa tiết đơn giản, còn với những sản phẩm có họa tiết phức tạp hơn sẽ mất khoảng 2 đến 3 ngày cho 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Điều đặc biệt là để làm sáng bạc, tạo nên những bộ trang sức lấp lánh, người làm nghề sẽ cần dùng các loại quả có vị chua trong tự nhiên, đun trong nước sôi rồi cọ sáng, làm bóng.
Hiện nay, số hộ gia đình còn duy trì nghề không còn nhiều, chủ yếu là tại thôn Tà Đản và một vài thôn trong xã còn có nghệ nhân thực hiện công việc này hàng ngày.
Là người thợ làm nghề chạm khắc bạc đã lâu, ông Lù Văn Chấn (thôn Tà Đản, xã Pờ Ly Ngài, huyện Hoàng Su Phì) đã tự học hỏi để làm nghề và duy trì nghề đến nay, ông đã và đang tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu, những người thực sự mong muốn và dành đam mê cho công việc này. Ông cũng cho biết để học và làm được nghề này đối với người tiếp thu nhanh sẽ có thể thực hành tạo được thành sản phẩm hoàn chỉnh trong khoảng 2, 3 ngày. Hiện nay, các sản phẩm hoàn thiện được người dân bán tại chợ phiên hoặc làm theo khách đặt hàng. Khi con gái lớn đến tuổi lấy chồng sẽ được gia đình bố mẹ đẻ chuẩn bị đầy đủ các loại trang sức bằng bạc để coi như của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Giá bán một bộ trang sức đầy đủ khoảng 10 triệu đồng, nghề chạm bạc cũng đã góp phần lớn vào nguồn thu nhập chính cho các gia đình nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay số thanh niên theo nghề chạm khắc bạc không còn nhiều, vì vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp tục duy trì sản phẩm tỉ mỷ, tinh tế và độc đáo này.
Duy trì, phát triển một nghề thủ công truyền thống không chỉ mang ý nghĩa tạo nên sản phẩm mang lại nguồn thu nhập kinh tế cho gia đình, địa phương mà còn góp phần tạo nên một nét văn hóa đặc trưng, riêng có của một cộng đồng dân tộc, tạo dựng tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch gần gũi và thật sự bền vững.
Bài, ảnh: Phương An