Nhà trình tường, hàng rào đá từ lâu đã trở thành một nét kiến trúc văn hóa riêng biệt, đặc sắc của đồng bào Mông. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, đời sống người dân ngày càng được nâng cao; kiến trúc nhà hiện đại đang dần thay thế những căn nhà trình tường, mái ngói âm dương của đồng bào dân tộc Mông đang dần bị mai một.
Nhà trình tường của đồng bào Mông. |
Đồng bào dân tộc Mông đã có hàng trăm năm sinh sống trên các triền núi đá cao với khí hậu khắc nghiệt, nên kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào nơi đây cũng có nhiều ảnh hưởng. Tiêu chí đầu tiên của ngôi nhà là phải ấm về mùa Đông và mát trong mùa Hè nên nhà trình tường được cho là phù hợp nhất. Những bức tường nhà được đắp thủ công hoàn toàn bằng đất; được lèn bằng phẳng, chắc chắn. Về tổng thế, kiến trúc nhà của người Mông dù to hay nhỏ đều phải có 3 gian, 2 cửa và có một hoặc hai trái, có gác để chứa lương thực; bao quanh là tường rào đá. Những ngôi nhà trình tường làm bằng đất, không có cốt thép nhưng vẫn có độ chắc chắn, an toàn và trở thành một nét kiến trúc độc đáo; tạo nên sức hút riêng có của vùng Cao nguyên đá Hà Giang trong mắt du khách.
Mẫu nhà mới có kiến trúc tương tự nhà trình tường cổ. |
Nhiều năm trở lại đây, khi đi dọc Quốc lộ 4C, chúng ta thấy xuất hiện những ngôi nhà xây với kiến trúc đặc biệt, ốp hoa văn sặc sỡ. Nhất là đoạn qua xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn). Các ngôi nhà này đều được sử dụng gạch ốp lát, ngói và cả những khuôn hình trang trí họa tiết của Trung Quốc; với những ưu điểm là: Sạch sẽ, kiên cố nên nhiều người dân đã lựa chọn nhà xây để sinh sống. Qua tìm hiểu, chỉ riêng xã Thài Phìn Tủng, năm 2015 mới chỉ có 1 căn nhà xây theo thiết kế như vậy thì đến nay có hơn 20 ngôi nhà và đang có xu hướng phát triển theo từng năm.
Được biết, để xây một căn nhà trình tường tốn khá nhiều thời gian và phải làm vào mùa khô, khoảng từ tháng 10 đến tháng 12. Thêm vào đó, vật liệu làm nhà trình trường phải là đất sét, đòi hỏi người xây phải có kỹ thuật và cần nhiều gỗ; thực tế hiện nay, vật liệu để xây dựng được một căn nhà trình tường ngày càng khan hiếm. Vì vậy, không nhiều người dân có đủ điều kiện để làm nhà trình tường, nên họ chọn nhà xây để ổn định cuộc sống.
Để giải quyết vấn đề nhà ở kiên cố cho người dân vùng cao nhưng vẫn giữ được kiến trúc của mẫu nhà trình tường, các ngành chuyên môn đã tiến hành rà soát, lấy ý kiến và đề xuất những mẫu nhà phù hợp. Vừa qua, thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo ở các xã biên giới, các huyện đã thực hiện đưa mẫu nhà này vào quy định. Theo đó, các hộ được nhận hỗ trợ sẽ thực hiện xây dựng theo đúng mẫu nhà truyền thống; hiện, tại huyện Đồng Văn đã có trên 200 hộ xây dựng theo mẫu nhà này.
Có mặt tại thôn Chúng Pả A, xã Phố Cáo; chúng tôi đến thăm một hộ dân xây nhà theo chương trình hỗ trợ của tỉnh. Ngôi nhà được xây dựng theo đúng lối kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông (3 gian, 2 trái, có gác để đồ). Được biết, hiện trong thôn Chúng Pả A có nhiều ngôi nhà được xây mới như vậy. “Nhiều hộ sau khi xây xong còn sơn màu vàng đất giống với màu nhà trình tường cũ, cách làm này không chỉ được thực hiện ở thôn Chúng Pả A mà còn ở nhiều thôn khác trên địa bàn xã Phố Cáo. Đây cũng là một cách để đảm bảo cho người dân có nhà ở kiên cố, đồng thời vẫn giữ được kiến trúc nhà trình tường của đồng bào” – ông Sùng Mí Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Phố Cáo, cho biết.
Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có bảo tồn, gìn giữ kiến trúc nhà ở; quan tâm, khoanh vùng bảo tồn một số nhà cổ có tuổi thọ cao, kiến trúc lâu đời tại xã Lũng Táo, Má Lé. Đặc biệt, theo lộ trình phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện đã có kế hoạch khoanh vùng xây dựng 10 làng văn hóa du lịch cộng đồng, với quyết tâm gìn giữ những ngôi nhà trình tường còn lại.
BHG