fbpx
Đi đâu, Điểm đến hàng đầu

Cao nguyên đá Đồng Văn

Choáng ngợp trước cao nguyên đá Đồng Văn

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã thành công trải qua 3 kỳ tái đánh giá vào các năm 2014, 2018 và 2022.

Cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cao nguyên này còn được gọi là Sơn nguyên Đồng Văn, nằm tại tọa độ: 23°16′51″B 105°21′50″Đ, độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, diện tích gần 2.356km², khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình 20 – 230C, lượng mưa trung bình 1.198mm – 1.235mm/năm. Mùa đông rét đậm, thường có tuyết và băng giá. Cao nguyên còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, với nhiều giá trị về địa tầng, địa chất, động thực vật, tiềm năng khoáng sản,v.v. Nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây 400 – 600 triệu năm. Ðịa tầng được phân chia thành 11 hệ tầng, 45 di sản địa mạo, 33 di sản kiến tạo. Về cổ sinh với 17 nhóm hóa thạch đặc trưng, trên 1.000 loài, trong đó có loài cá cổ. Độ dày của các vỉa đá vôi có thể lên tới 4.000m. Ðịa hình cao nguyên đá Ðồng Văn thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông Bắc xuống Tây Bắc, nhiều núi đá vôi có độ dốc lớn. Các thung lũng, sông, suối bị chia cắt mạnh. Kiểu địa hình cao nguyên núi đá độ cao từ 701m đến 1.700m chiếm 51% diện tích, kiểu địa hình núi thấp độ cao từ 301m đến 700m chiếm 42% diện tích, kiểu địa hình đồi xen kẽ giữa các dãy núi thấp và thung lũng sông suối chiếm 3%, kiểu địa hình thung lũng chiếm 4% diện tích. Khu vực cao nguyên có hai con sông là sông Nho Quế (cg. Phổ Mai Hà) và sông Miện chảy qua. Ngoài ra còn có nhiều dòng suối lớn, rải đều khắp trên địa bàn bốn huyện.

Sự kỳ vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn buổi sáng sớm.

Địa mạo cao nguyên đá Đồng Văn gồm các cảnh quan địa hình, hẻm vực và hang động. Cảnh quan địa hình có nhiều kiểu, do thiên nhiên kiến tạo. Có chỗ lõm xuống như hai hồ nước được gọi là “mắt rồng” ở hai bên cột cờ Lũng Cú. Có những nơi tạo nên các lớp sóng đá chờm lên nhau, hình thành những dãy núi có dạng kim tự tháp nối tiếp nhau, độ dốc lớn, đỉnh nhọn, nhiều vách đá tai mèo. Một kiểu dáng khác là những núi đá vôi bị rửa trôi, bóc mòn đều, tạo nên các khối núi cân đối như Núi đôi Cô Tiên (Quản Bạ). Ngoài ra, các hình dạng như rừng đá, vườn đá, thú đá, v.v. trải rộng trên những vùng không gian lớn. Các vườn đá, rừng đá có những đặc điểm khác nhau. Vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) có các chóp đá có dạng bông hoa, nụ hoa, nhành hoa; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc) có hình Rồng cuộn, Hổ ngồi, v.v. bãi Hải Cẩu, xã Vần Chải (Đồng Văn) gồm nhiều phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông như đàn Hải Cẩu đang nằm nghỉ, v.v. Hoạt động kiến tạo còn hình thành nên các hẻm vực và hang động tiêu biểu là hẻm vực Tu Sản, sâu hàng nghìn mét trên sông Nho Quế, đoạn đèo Mã Pì Lèng. Một hệ thống hang động quy mô khác nhau cũng được hình thành trên cao nguyên đá Đồng Văn như: hang Dơi ở Yên Minh, động Nguyệt ở Phó Bảng (Đồng Văn), hang Rồng ở Sảng Tủng (Đồng Văn), hang Khố Mỷ ở Tùng Vài (Quản Bạ), động Én ở Vần Chải (Đồng Văn).

Những ngọn núi cao sừng sững, trùng điệp của cao nguyên đá Đồng Văn.

Cao nguyên đá Ðồng Văn còn gắn liền với những cổng trời. Cổng trời Quản Bạ, được gọi là cổng Thiên Ðàng, bốn mùa gió núi, mù sương, nhiệt độ trung bình 20 – 230C, khí hậu mát quanh năm. Cổng trời Cán Tỷ dài và hiểm trở. Cổng trời Sà Phìn mở ra con đường đến di tích nhà họ Vương.

Những con đèo cũng là nét đặc trưng của vùng Cao nguyên đá. Đèo Bắc Sum điểm bắt đầu vào vùng cao nguyên đá (cg. Pác Xum, tiếng Mông nghĩa là “trùng trùng miệng hố, bờ vực”), có hình dáng vươn dần lên cao theo sườn núi. Tiếp theo là Dốc Thẩm Mã, từ thị trấn Yên Minh đến xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn) với nhiều đường cong uốn lượn. Dốc Chín Khoanh nối Phố Cáo với Sủng Là, gồm nhiều khúc cua chữ U. Dốc Pải Lủng, đoạn dốc thuộc tuyến đường Hạnh Phúc thuộc xã Pải Lủng với những khúc cua tay áo liên tiếp, nằm lọt giữa những ngọn núi tai mèo. Hùng vĩ nhất là đèo Mã Pì Lèng, dài 22km với độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, nối thị trấn Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc, một bên là vách đá tai mèo dựng đứng, một bên là vực sâu, nơi có dòng sông Nho Quế, tạo nên khung cảnh đặc biệt. Ở vùng cao nguyên đá Ðồng Văn, dân tộc Mông chiếm 80%, diện tích đất đai canh tác không nhiều (chiếm 15% diện tích), quá trình sinh sống và thích ứng với điều kiện tự nhiên, tạo nên những yếu tố văn hóa độc đáo: sống trên đá, canh tác trên đá, tường rào đá, cánh đồng hoa tam giác mạch, v.v. Hiện, ba tuyến du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn đang được khai thác, gồm: Hành trình lên nơi khởi nguồn sự sống (từ Quản Bạ đến Yên Minh); Giai điệu cuộc sống trên miền đá (từ Yên Minh đến Đồng Văn); Hành trình đến Tự hào và Hạnh phúc (từ Đồng Văn đến Mèo Vạc), đã kết nối 45 điểm di sản địa chất, di sản văn hóa và thiên nhiên, cùng các điểm dừng chân, thăm quan, trạm thông tin cho du khách. Ngoài di sản thiên nhiên, cao nguyên đá Ðồng Văn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, như: di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, làng Lũng Cẩm của người Mông, làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, v.v. Ngày 3.10.2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” được Hội đồng Tư vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận. Năm 2014 và năm 2018, năm 2022 UNESCO tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2015 – 2018 và giai đoạn 2019 – 2022 và giai đoạn 2023-2026

Dương Thanh

———————————

Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay

Trung tâm XTDL Hà Giang

Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang

Hotline: 1900561276

Đặt vé máy bay: ubuk.com