fbpx
Tin tức

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có 19 dân tộc, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 87,2% trong đó dân tộc Mông chiếm 32,9%; Tày 23,2%; Dao 14,9%; Kinh 12,8%; Nùng 9%. Hà Giang có 5 dân tộc thiểu số ít người (dưới 10.000 người) gồm Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao… mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống riêng biệt, đã tạo cho Hà Giang một nền văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, xã hội đối với các tỉnh miền núi, Hà Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng, từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng kém phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và một số phong tục tập quán tốt đẹp được phục dựng, bảo tồn, các thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện…

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tính đến nay Hà Giang đã có tổng số 61 di tích, trong đó có 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia; 30 di tích cấp tỉnh; hiện có 3 bảo vật cấp quốc gia (Bia chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm và Đôi Trống đồng Lô Lô); 34 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hà Giang đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả đã nhận diện được trên 446 Di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng (bản). Công viên địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu từ năm 2010 và đến nay đã 3 kỳ liên tiếp được Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đánh giá giữ vững danh hiệu CVĐC toàn cầu. Có 31/61 di tích xếp hạng đã được trùng tu, tu bổ và tôn tạo (gồm 18 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh). Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Về di sản văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có 44 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phục dựng đã và đang được phát huy giá trị văn hóa, đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hà Giang. Một số lễ hội như Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội Khèn và lễ hội thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Mông; cầu mùa của người Lô Lô; cấp sắc, Bàn Vương của dân tộc Dao; lồng tông của dân tộc Tày… Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc được bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch như: Chương trình 62-CTr/TU ngày 29-3-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013-2020; Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2025; Quyết định số 501/QĐ-UBND ngày 8-4-2020 của UBND tỉnh, ban hành Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025”; Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 17-5-2021 về việc ban hành Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Hà Giang.

Sở VHTTDL đã tham mưu trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 4-8-2021 về Phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 1-5-2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1-5-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 15-8-2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2028.

Với phương châm “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn văn hóa”, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trong phát triển du lịch, thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh… Một số lễ hội gắn với sự kiện đã được thường niên tổ chức như: Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai, Lễ hội Hoa tam giác mạch; Tuần Văn hóa Du lịch di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Festival Khèn Mông; Ngày hội văn hóa các dân tộc nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa nhân văn, tạo ra điểm nhấn, sản phẩm du lịch trải nghiệm trở thành thương hiệu đặc thù trong khai thác du lịch; hiện có khoảng 39 lễ hội có quy mô tổ chức và có khả năng thu hút du lịch.

Việc phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn được chú trọng quan tâm. Cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, tập trung phát triển đều trên 3 vùng không gian du lịch, với 5 dòng sản phẩm thế mạnh gồm: Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, Du lịch văn hóa, Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Du lịch thể thao, mạo hiểm, Du lịch thương mại, biên giới. Tổ chức xây dựng các Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với tiêu chuẩn OCOP; làng văn hóa du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN đối với làng Nặm Đăm. Đến nay, tỉnh đã công nhận hoàn thành tiêu chí 16 làng, định hướng đến 2025 hoàn thành xây dựng 40 làng theo chỉ đạo của tỉnh.

Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ năm 2023, ngành Du lịch Hà Giang đã hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch, đề ra các định hướng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Tỉnh Hà Giang vinh dự được xếp thứ 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (do Tạp chí New York Times của Mỹ bình chọn). Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Hà Giang cũng được đề cử bình chọn là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” của Giải thưởng Du lịch Thế giới – World Travel Awards lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương. Theo công bố top 10 điểm du lịch nổi bật nhất 2023 do Google công bố, du lịch Hà Giang xếp thứ 4 trong Top 10, cả 3 vị trí dẫn đầu đều là các điểm đến quốc tế (Đài Loan – Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu). Hà Giang đã đón 3.018.000 lượt du khách, trong đó 304.000 lượt khách quốc tế (tăng trên 33 % so với cùng kỳ năm 2022, vượt 20,7% kế hoạch năm).

Để thực hiện việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới, Hà Giang xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch đến các cấp, các ngành và cán bộ nhân dân, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương.

Sở VHTTDL Hà Giang sẽ chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; đầu tư nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Hội nghệ nhân dân gian, nhóm sở thích, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vừa bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân đồng thời xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cấp học …

Ngoài ra, Sở sẽ triển khai Kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang năm 2023; tham gia các hoạt động hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch; thực hiện hiệu quả Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

  • TRIỆU THỊ TÌNH – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang
  • ———————————
  • Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay
  • Trung tâm XTDL Hà Giang
  • Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
  • Hotline: 1900561276
  • Đặt vé máy bay: ubuk.com