Hà Giang nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, và những dãy núi đá cao trùng điệp. Cao nguyên đá là nơi sinh sống của 17 dân tộc ít người như Mông, Dao, Tày Nùng, Giáy, la Chí, Lô Lô, Pú Péo… có nền văn hóa với những phong tập tập quán và lễ hội đa dạng phong phú. Do vậy văn hóa ẩm thực Hà Giang đầy sức lôi cuốn với vô vàn món ăn ngon được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên phong phú và theo truyền thống lâu đời của người dân nơi đây. Đây chính là một trong những nét đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn rất riêng cho Hà Giang.
Đầu tiên phải kế đến là món Thắng cố, vốn là món đặc sản của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc, ngày nay đã trở thành món ăn quen thuộc của người vùng cao. Vậy nhưng, chỉ còn ở một số huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang như Đồng Văn, Mèo Vạc, món thắng cố mới được nấu đúng theo cách truyền thống. Thắng cố chính là món canh thịt được nấu bằng thịt ngựa, thịt dê hay thịt bò. Chảo thắng cố ngon nhất là vào ngày tết là phải có đủ các loại thịt. Nhưng thường thì người Mông Hà Giang hay ăn thắng cố bò.
Đầu bò sau khi làm thui vàng ruộm được bổ đôi bằng búa, xếp vào chảo lớn cùng với vó đã chặt nhỏ, đuôi để nguyên chiếc và toàn bộ lòng, phổi, tim, gan. Ruột non phải để nguyên các thứ bên trong thì thắng cố mới ngon đúng vị. Giã chút thảo quả cho vào chảo thịt, đổ nước lạnh ngập thịt, đun sôi chừng 3 giờ là được. Vào các phiên chợ ở Hà Giang, các bạn sẽ thấy hàng Thắng Cố đông tấp nập. Những bát thắng cố nóng hôi hổi có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Đi kèm với Thắng cố không thể thiếu bát rượu ngô. Rươu ngô ngon phải được nấu bằng nguồn nước khơi từ mạch núi đá có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Không thể thiếu men lá, loại men được làm từ nhiều loại lá rừng phơi khô để làm nên thương hiệu rượu ngô Hà Giang,. Men lá được trộn lẫn với bột ngô sau khi ủ hai ngày thì mang phơi nắng. Ngô nấu rượu phải là giống ngô vàng của người Mông vùng cao thì khi ủ men mới thơm. Ngô được nấu kĩ cho đến khi mềm rồi trộn kỹ với men, ủ từ 15- 20 ngày trong chum to rồi mới đi nấu theo phương pháp cách thủy. Quá trình chưng cất rượu theo phương pháp thủ công, nấu cách Thủy. Quá trình nấu rượu ngô rất công phu và tỉ mỉ. Người H’Mông chuẩn bị kĩ càng và nấu theo phương thức truyền thống cách thủy, khối lượng ngô để nấu một mẻ rượu rất lớn để được những giọt rượu thơm và đảm bảo nhất.
Món cháo ấu tẩu cũng là một món ăn đặc sản rất nổi tiếng ở Hà Giang được gọi là món “cháo chết người”, “cháo độc dược” và thường chỉ được bán vào buổi tối.
Cháo được nấu bằng củ ấu tẩu, đứng trong danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận. Trong đông y, ấu tẩu đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại….
Cháo ẩu tẩu được nấu bằng gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương của đồng bào dân tộc, chân giò của lợn cắp nách, ninh trong 4 tiếng… qua một số công đoạn công phu mới có được bát cháo ấu tẩu hoàn hảo. Để khử độc phải ngâm kỹ ấu tẩu trong nước vo gạo một đêm, rửa sạch đem ninh cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô tăng thêm tác dụng giải cảm của bát cháo.
Cháo ấu tẩu thường ăn vào buổi tối giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn.
Thịt trâu gác bếp Hà Giang. Đây là một món ăn truyền thống của người Thái đen. Giống như các tỉnh vùng núi phía Bắc, thịt trâu gác bếp là món ăn phổ biến ở Hà Giang. Sau khi được tẩm gia vị, ớt, gừng và mắc khén, những thớ thịt trâu to, dài được hun khói và xiên vào que to treo trên gác bếp. Sau một thời gian, miếng thịt trâu khô lại, có vị ngọt đậm đà cùng hương vị đặc trưng.
Lợn cắp nách đã trở thành một cái tên được nhiều người biết đến khi đến Hà Giang. Với đặc điểm thịt chắc, nhiều nạc, ăn thơm ngon, nên các món ăn chế biến từ lợn cắp nách đều ngon cả. Và những món ăn từ lợn cắp nách này còn nói lên một nét độc đáo trong chăn nuôi của đồng bào dân tộc nơi này. Có nhiều cách chế biến lợn cắp nách, trong đó món ngon và nổi tiếng nhất là lòng dồi và thịt bụng hấp cách thủy. Khi ăn, thịt lợn chấm với lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặc hạt dổi, ớt xanh. Hương vị thơm ngon hòa quyện giữa vị hơi chua, chát của hạt dổi, lá chanh gặp với thịt ba chỉ ngọt, mềm.
Ở Đồng Văn có món ăn sáng hay ăn chơi rất đặc sắc mà du khách nào cũng muốn thưởng thức đó là Bánh cuốn Đồng Văn. Bánh cuốn Đồng Văn thoạt nhìn không có gì khác nhiều so với bánh miền xuôi, nhưng khi thưởng thức rồi, mới thấy thật lạ. Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, nhưng bánh trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm. Đặc biệt ở đây có món bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín, chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung để một lúc, sau đó mới cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát.
Có một sự khác biệt lớn là nước chấm bánh cuốn ở đây được dùng với nước canh/nước dùng, đựng trong một chiếc bát tô có miếng chả thơm, hành lá mùi tàu thái nhỏ. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng. Bạn có thể xắt từng miếng chấm nước dùng hoặc thả cả chiếc bánh vào ăn ngay trong bát để cảm nhận tổng hòa vị dẻo thơm của bánh với chả, nước chấm béo ngậy. Một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ làm tròn vị, mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.
Món Xôi ngũ sắc Hà Giang cũng sẽ để lại cho thực khách một ấn tượng khó phai. Gọi là xôi ngũ sắc vì xôi thường có những màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Màu xôi là đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Trừ màu trắng, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng chứ không dùng chất tạo màu. Màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc được tạo nên từ các thành phần nhuộm màu tự nhiên. Màu đỏ là màu của gấc và lá cơm đỏ, trong khi màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu xanh từ lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ măng đắng, bưởi hay lá cây ba soi đốt lấy tro ngâm với nước có pha vôi. Còn màu tím dùng lá cơm đen hoặc lá cây sau sau.
Món xôi ngũ sắc không chỉ đẹp mắt, ăn ngon, mang còn mang ý nghĩa thiêng liêng vì thế xôi ngũ sắc đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ tết của người dân tộc ở Hà Giang.
Bánh tam giác mạch
Những cánh đồng hoa tam giác mạch không chỉ giúp người dân Hà Giang thu hút khách du lịch mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu để tạo ra lương thực, thực phẩm đặc sản.
Tam giác mạch được người dân chế biến khéo léo thành loại bánh. Để làm được chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon, người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Trước tiên, hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ rồi đem đi xay bằng tay. Quá trình xay cũng cần sự khéo léo để ra mẻ bột thật mịn, đều tránh bị lợn cợn sau khi chế biến. Người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng.
Hà Giang còn có rất nhiều sản vật đặc sắc như chè san tuyết, tinh bột nghệ, bánh chưng gù … mà du khách đến với Hà Giang không thể không mua về làm quà.
Nhưng chẳng cần phải chờ đến khi đi Hà Giang bạn mới được thưởng thức những đặc sản Hà Giang nhé. Từ ngày 11-13/10/2019, tại khu vực nhà bát giác, vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội sẽ có sự kiện “Không gian văn hoá, du lịch và giới thiệu sản phẩm đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang”. Tại đây sẽ có các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản vật Hà Giang.
ĐẶC BIỆT sẽ có một gian hàng của Công ty CP Du lịch & Dịch vụ Hy Vọng phục vụ nhu cầu mua vé máy bay và tour du lịch tại đây. Rất nhiều giá vé khuyến mại của các hãng Hàng không 5 sao, 4 sao đang cùng nhiều phần quà hấp dẫn từ Hy Vọng đang chờ đón Quý khách hàng đến với sự kiện “Không gian văn hoá, du lịch và giới thiệu sản phẩm đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang”.