Đây là nơi tập trung nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, cảnh quan thiên nhiên không chỉ đẹp mà còn hữu tình, đặc biệt là sự mến khách của người dân…. Ở đó, luôn có những “điểm nhấn” tạo được sức hút với nhiều du khách trong và ngoài nước khi lên vùng cao núi đá Mèo Vạc.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ 100% người dân trong thôn là đồng bào người Mông. Ngoài ra điều thu hút du khách đó chính là nét văn hóa của người Mông ở đây vẫn được lưu giữ từ kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục đến văn hóa truyền thống dân gian …
|
Khu du lịch cộng đồng người Mông ở Mèo Vạc |
Trong làng văn hóa còn có một nhà văn hóa của huyện Mèo Vạc, nơi đây được coi là khu bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc Mông. Du khách đến đây có thể tìm hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa của người Mông. Thậm chí, nhiều du khách là người Mông ở địa phương khác cũng tới để thưởng thức và hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Trong thôn này có 28 hộ tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa vào sử dụng nhà ở theo mẫu nhà dân tộc Mông với thiết kế kiến trúc nhà khung gỗ, trình tường, mái lợp ngói âm dương 2 tầng. Các ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống người Mông liền kề nhau và hầu hết phát triển dịch vụ nhà nghỉ Homestay, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Giá thuê phòng giao động tùy vào từng vị trí. Phòng cộng đồng giao động từ 150 đến 200 nghìn đồng/người đêm. Phòng đơn khoảng 400 – 550 nghìn đồng/đêm tùy vào thời điểm. Ngoài ra, du khách tới đây cũng được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Mông được nấu nướng tại chính Homestay.
Cửa vào khu du lịch cộng đồng Pả Vi Hạ. |
Ở đây có khí hậu rất đặc trưng, riêng biệt. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C với một mùa Đông kéo dài tới 8 – 9 tháng và dường như không có mùa nóng. Đặc biệt, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời điểm lạnh nhất trong năm, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 0 độ C.
Mùa Đông lạnh như vậy, nhưng mùa Hè ngắn chỉ 2 – 3 tháng với trung bình từ 19 – 23 độ C. Điều kiện thời tiết ở làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông, thôn Pả Vi Hạ khiến ta liên tưởng về những tiểu Đà Lạt ở Hà Giang.
Chị Thu Hồng, du khách từ Hà Nội chia sẻ chị hay theo dõi cộng đồng du lịch Hà Giang và đã nghe rất nhiều lời khen về làng văn hóa du lịch cộng đồng ở chân đèo Mã Pì Lèng.
Chị Hồng đã đến đây và có dịp để trải nghiệm: “Tôi thật sự như lạc vào trong những mẩu chuyện, những thước phim đã từng xem. Kiến trúc nhà ở trình tường với ngói âm dương, tạo nên không khí mát mẻ, rất dễ ngủ, thích hợp cho những ai muốn được thư giãn. Món ăn cũng rất kỳ lạ như thắng cố, thịt treo gác bếp…hấp dẫn du khách”. Đặc biệt, chị Hồng rất thích những điệu múa xòe hoa, tiếng khèn của những chàng trai Mông.
Anh Quang – chủ của một Homestay chia sẻ: khi huyện ủy có chính sách phát triển du lịch cộng đồng anh đã đăng ký tham gia ngay, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Ban đầu dự tính chi phí xây dựng hết khoảng 700 triệu đồng được hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng anh Quang cũng bị đội vốn, tổng chi phí đầu tư khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Những ngày đầu xây dựng rất khó khăn có lúc anh Quang muốn từ bỏ nhưng nghĩ tới lâu dài anh đành “đâm lao theo lao”. Sau đó, khi đã hoàn thiện homestay và bắt đầu có khách thuê, anh mới tạm yên tâm.
Tuy nhiên, thời gian hoạt động không được bao lâu thì lại vướng vào dịch bệnh nên việc kinh doanh cũng khó khăn. Nếu trước kia còn có du khách nước ngoài thì hiện tại anh Quang chỉ đón khách nội địa. Trung bình những ngày cuối tuần cũng thường kín phòng và có khách đặt ăn luôn tại nhà hàng.
Anh Quang cho biết để đảm bảo theo phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong làng luôn thực hiện đúng chuẩn mực thân thiện, minh bạch giá cả, đảm bảo vệ sinh môi trường trong các khâu ăn uống và trải nghiệm…
https://infonet.vietnamnet.vn/