fbpx
Đi đâu

Độc đáo Chợ Phong lưu Khâu Vai

Chưa ai có thể khẳng định chính xác di sản Tập quán Háng Phúng Lìu (phiên chợ tình duyên) ở Khâu Vai ra đời từ khi nào nhưng có thể khẳng định nó có lịch sử tồn tại lâu đời. Những cụ già cao niên ở Khâu Vai cho biết trước đây họ đã được ông cha mình kể cho nghe về câu chuyện tình giữa chàng Ba và nàng Út, và bây giờ chính họ là những người truyền lại câu chuyện ấy cho lớp cháu con của mình đồng thời giữ gìn phong tục tập quán đã có từ nhiều đời trước.

Háng Phúng Lìu, nghĩa tiếng Việt là đi chợ tìm, gặp người yêu hay phiên chợ tình duyên và ngày nay còn được gọi là “Chợ tình Khâu Vai” gắn với câu chuyện về chàng Ba và nàng Út ở núi Khâu Vai. Chàng Ba người dân tộc Nùng nhà nghèo, nàng Út con gái của tộc trưởng người Giấy, nhà giàu. Xưa kia theo phong tục dân tộc nào lấy dân tộc ấy nên tình yêu cùa chàng Ba và nàng Út bị ngăn cấm. Hai người lên núi Khâu Vai hẹn hò, gia đình nhà trai, nhà gái lên núi tìm, nhà gái cho rằng chàng Ba kéo con gái người Giấy đi nên hai nhà tranh cãi, dẫn đến đánh nhau. Nhìn thấy cảnh hai nhà, hai tộc người tranh đấu, chàng Ba và nàng Út quyết định chia tay và hẹn nhau mỗi năm vào ngày 27 tháng 3 âm lịch sẽ lên núi gặp nhau. Kể từ ngày ấy, hai dân tộc cùng sinh sống hòa bình, nhưng Chàng Ba và Nàng Út thì mang nỗi sầu cô đơn, không lấy chống, lấy vợ cho đến khi chết. Cảm động trước mối tình thủy chung ấy, dân làng nơi đây lập miếu Ông, miếu Bà để thờ cúng. Kêt từ đó, người dân trong vùng lấy ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày mà những đôi trai gái yêu thương nhau vì lý do nào đó mà không được nên duyên chồng vợ, với sự chấp thuận của cả cộng đồng, họ được quyền đến Khâu Vai tìm nhau để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, nhưng không được bước qua ranh giới nhục dục thấp hèn. Nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến Khâu Vai, đến nơi vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Những người trẻ tuổi đến Khâu Vai vào dịp này để giao lưu, tìm hiểu nhau, nhiều đôi thông qua phiên chợ tình đã nên vợ nên chồng. Khâu Vai ban đầu chỉ là một địa điểm mà người dân trong vùng định ra “là địa điểm gặp gỡ” của những đôi lứa chứ không phải là chợ – nơi mua bán trao đổi hàng hóa thông thường. Hàng năm có nhiều người về đây vào dịp 25 đến 27 tháng 3 âm lịch để thăm thân, gặp gỡ người yêu cũ, thực hành tín ngưỡng thờ cúng tại miếu Ông, miếu Bà, nên “chợ” trong trường hợp này được cộng đồng địa phương hiểu là chốn có đông người, tập trung thực hành những giá trị văn hóa chứ không phải hiểu theo nghĩa đen thông thường. Người Nùng tại địa phương gọi phiên chợ này là Háng Phúng Lìu, trong đó “Háng” là chợ, “Phúng” là gặp gỡ, “Lìu” là người yêu. Từ yếu tố ngôn ngữ (nghĩa đen) như vậy gắn với câu chuyện tình đã hình thành nên một tập quán văn hóa đó chính là “Văn hóa gặp gỡ người yêu”. Ngoài ra, vào dịp này người Nùng còn có một cụm từ mà ý nghĩa tương đương với việc đi chợ Háng Phúng Lìu đó là: “Pay liêu pay gặp lục báo lục sao” nghĩa là “Đi chơi đi gặp con trai con gái”. Trong đó phụ nữ có người yêu cũ thì gặp “Lục báo cáu” còn đàn ông có người yêu cũ thì đi tìm “Lục sao cáu”. Sau này người dân gọi phiên chợ này là phiên chợ Phong Lưu, “Phong Lưu” là cụm từ Hán Việt có ý nghĩa là: “Cái đức tốt như ngọn gió chỗ này bay đến chỗ khác, như dòng nước nơi nọ chảy đến nơi kia..” (Từ điển Hán Việt. NXB Văn hóa thông tin. 2003. Tr 327).

Chợ Phong lưu Khâu Vai được tổ chức tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.

Trước đây khi điều kiện xã hội chưa phát triển, khả năng giao thương hạn chế, các dân tộc tại huyện Mèo Vạc sinh sống tại các vùng núi cao, rải rác không tập trung nên chợ chính là nơi người dân có thể đến để gặp gỡ, trao đổi cả vật chất, giao lưu về tinh thần. Dù biết rằng địa điểm Khâu Vai ban đầu không bán, không mua các sản phẩm vật chất, nhưng đúng vào dịp 27 tháng 3 âm lịch người dân tập trung về đây rất đông để gặp gỡ, vì vậy theo thời gian họ vẫn mặc nhiên gọi địa điểm này là “chợ”. Đối với người dân thôn Khâu Vai từ ngày 20 tháng 3 âm lịch họ đã dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ để đón anh em, họ hàng và khách đến nhà chơi. Đồng thời họ chuẩn bị một số thực phẩm để cúng và làm món ăn tiếp khách như: Gạo nếp hạt đều đẹp để đồ xôi màu, làm bánh, giã bánh dày, gà, lợn, rượu…  Những người ở địa phương và một số vùng lân cận, trước đây từng yêu nhau nhưng do hoàn cảnh nào đó mà không lấy được nhau họ có sự chuẩn bị một số món đồ như: Phụ nữ tự tay khâu vá những bộ trang phục mới (quần, áo, khăn, giày…) để mặc và tặng bạn tình, người yêu cũ; Nam giới sắm quần áo mới, mua một chiếc khăn, một vào mét vải để tặng, nếu ai biết hát, thổi khèn, sáo, kèn pí lè thì tập lại, làm mới hoặc kiểm tra và lau chùi sạch sẽ các loại nhạc cụ để đón khách, để đi chợ. Những người chưa có người yêu chuẩn bị trang phục đẹp nhất để giao lưu gặp gỡ để tìm bạn tình. Đối với trẻ nhỏ thì được bố mẹ cho đi cùng đến chợ gặp gỡ những người thân, họ hàng sau một năm hoặc nhiều năm chưa gặp lại.

Với những giá trị văn hóa độc đáo, hấp dẫn, ngày 24/6/2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong lưu (Háng Phúng Lìu) Khâu Vai, huyện mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến chợ Phong Lưu Khâu Vai hôm nay, du khách sẽ được trải nghiệm sinh hoạt văn hóa cộng đồng như giao lưu ẩm thực, hát giao duyên, thổi sáo, múa khèn… Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai theo thời gian đã có sự thay đổi, các yếu tố văn hóa được bồi đắp, tạo nên sự đa dạng văn hóa, mang bản sắc vùng miền độc đáo, hấp dẫn.

  • Nguyễn Hoài – PGĐ Sở Văn hóa, TT&DL
  • ———————————
  • Liên hệ đặt tour và đặt vé:
  • Trung tâm TTXTDL Hà Giang
  • Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
  • Hotline: 1900561276
  • #discoverhagiang
  • #ubuk
  •