Ngày 12 tháng 01 năm 2022 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công bố ba di sản văn hóa phi vật thể của hà Giang được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đó là: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Cầu mùa, cầu mưa của người Dao huyện Bắc Mê; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc và Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô Đen xã Lũng Cú huyện Đồng Văn. Tính đến nay tỉnh Hà Giang có 25 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Năm 2021 tỉnh Hà Giang đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả đã nhận diện được 446 di sản văn hóa phi vật thể với 07 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng (bản), gồm: Mông, Tày Dao, Kinh, Nùng, Giáy, La Chí, Hoa (Hán), Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo. Trong đó, loại hình tiếng nói, chữ viết 17 di sản; Ngữ văn dân gian có 47 di sản; Nghệ thuật trình diễn dân gian có 12 di sản; Tập quán xã hội và tín ngưỡng có 259 di sản; Lễ hội truyền thống có 13 di sản; Nghề thủ công truyền thống có 41 di sản; Tri thức dân gian có 57 di sản.
Việc kiểm kê nhận diện, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tôn vinh di sản văn hóa là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đế góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Hà Giang; đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.
Nguyễn Hoài – PGĐ Sở Văn hóa, TT&DL