Chiều 19.8, tại trung tâm hội nghị huyện Quang Bình, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong liên kết vùng. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; lãnh đạo Vụ thị trường Tổng cục Du lịch Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Nam, Lào Cai, Ninh Bình, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại Hà Nội; các công ty, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước; một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý phát biểu tại Hội nghị. |
Các đại biểu dự Hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý nhấn mạnh: Dựa trên những đặc điểm và lợi thế về tài nguyên du lịch đặc thù, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển sản phẩm du lịch theo không gian vùng, dựa trên đặc điểm của địa phương để triển khai thực hiện. Theo đó, hiện nay hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh đã cơ bản được xây dựng và hình thành dựa trên 3 không gian, phân vùng du lịch như: Không gian du lịch trung tâm ở địa phận thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê và cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy làm trọng tâm; không gian du lịch Đông Bắc gồm địa phận các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với chức năng chính là du lịch gắn với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; không gian du lịch Tây Nam gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình với điểm nhấn là du lịch sinh thái, leo núi cao kết hợp văn hóa bản địa.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định sẽ cùng với Hà Giang xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. |
Những năm gần đây, tỉnh đã định hướng cụ thể, tạo cơ chế thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân trên 10% năm, năm 2019 ước đạt 1,3 triệu lượt khách. Tuy nhiên, điều kiện KT – XH của tỉnh còn khó khăn, chưa xác định được thị trường nguồn và phân kỳ khai thác để xây dựng những sản phẩm phù hợp. Do đó, liên kết để phát triển du lịch là một hướng đi tất yếu của tỉnh trong những năm tới. Việc tỉnh tổ chức hội nghị lần này nhằm tranh thủ lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý và các doanh nghiệp lữ hành để định hướng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tăng cường liên kết để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm đặc trưng của 3 huyện Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều khía cạnh về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong liên kết vùng của tỉnh. Trong đó, nêu bật những nội dung như: Phát triển du lịch dựa trên lợi thế về địa chất địa mạo, địa hình đặc thù có giá trị về cảnh quan và di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc; đẩy mạnh nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch, các mô hình lưu trú homestay ở các tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên ngành, nghề du lịch; hợp tác giữa các hiệp hội để kết nối tour tuyến, ẩm thực giữa các vùng miền. Lãnh đạo các huyện phía Tây Nam của tỉnh cũng đã giới thiệu về những tiềm năng du lịch như: Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, du lịch lòng hồ Thủy điện sông Chừng, chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi, ruộng bậc thang… và khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định: Tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch nhưng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, đưa những hình ảnh độc đáo đến với du khách trong và ngoài nước, nhất là tạo ra các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh phải có sự liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch trong nước để đẩy mạnh phát triển du lịch. Tổng Cục du lịch Việt Nam cam kết đồng hành cùng tỉnh trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch, đặc biệt là ở thị trường quốc tế.
Các huyện phía Tây Nam (Hà Giang) ký biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến với Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Ninh Bình. |
Các huyện phía Tây Nam ký biên bản thỏa thuận hợp tác kết nối tour, tuyến du lịch với 6 doanh nghiệp lữ hành. |
Trong khuôn khổ hội nghị, các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến với Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Ninh Bình và ký biên bản thỏa thuận hợp tác kết nối tour, tuyến du lịch với 6 doanh nghiệp lữ hành để tạo mối liên kết phát triển du lịch.
Tin, ảnh: MỘC LAN