Đi du lịch Hà Giang mùa Đông là từ khi bắt đầu chạm vào những ngày cuối thu mỏng manh quyến rũ, chạm vào chút nắng vàng hanh hao tựa như mật ngọt. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối Thu và chào đón những ngọn gió Đông. Hà Giang trở nên đẹp ngỡ ngàng với mùa hoa Cúc Dại chân phương, hoa Tam Giác Mạch dịu dàng và tinh khiết đẹp đến nao lòng nở khắp miền cao nguyên nguyên đá. Mùa đông Hà Giang có nhiều thứ đẹp đến độ, từ thời tiết, ẩm thực đến cả những loài hoa cũng đều có sự thú vị rất riêng. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất khi đến với Hà Giang mùa đông đôi khi lại là cảm xúc đợi chờ. Chờ một thứ đặc sản mang tên mùa đông.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ MÙA ĐÔNG HÀ GIANG.
Chúng ta sẽ mặc định mùa Đông Hà Giang là mùa hoa Tam Giác Mạch nhé. Mặc dù có thêm nhiều loài hoa khác. Nhưng đó là đặc trưng nhất của Hà Giang ngày Đông với đại ngàn cao nguyên đá Đồng Văn. (Bắt đầu từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12 )
Mùa hoa Tam Giác Mạch bắt đầu từ khi nào ?
Hoa Tam giác mạch Hà Giang bình thường sẽ được bà con các dân tộc tại Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu reo hạt từ cuối tháng tám. Lúc này vừa hết mùa Ngô và khí hậu mùa Đông thường khô hạn và lạnh giá nên bà con thường hay để đất trống không canh tác đợi đến mùa Xuân khí hậu ấm dần lên mới đi cày chuẩn bị cho một vụ Ngô mới. Trước đây mọi người thường chỉ trồng rất ít hoa Tam Giác Mạch và có một phần là hoa mọc dại khắp các núi đá. Cùng với cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang được Unesco công nhận là công viên địa chất toàn cầu và du lịch ngày càng phát triển. Bà con đã bỏ công sức của mình ra cày đất, mua phân và giống hoa về trồng để phục vụ khách du lịch chụp ảnh ( Có thu phí 10.000đ/ người).
Hoa Tam Giác Mạnh thường nở vào khoảng thời gian nào ?
Thường thì hoa Tam Giác Mạnh sẽ bắt đầu nở nhiều bắt đầu từ cuối tháng 10 và sang đến đầu tháng 1. ( Hoa có thể có sớm hoặc hết muộn hơn do người dân họ trồng nhiều lần để phục vụ cho khách di lịch ). Hằng năm tỉnh Hà Giang có tổ chức Lễ hội hoa Tam Giác Mạnh với nhiều hoạt động hấp dẫn.Thường là trung tuần tháng 11 trở đi.
Hoa Tam Giác Mạnh tầm nào thì đẹp nhất.
Hoa Tam Giác Mạnh là một loài hoa thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Hà Giang Việt Nam và các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Điều đặc biệt ở loài hoa này là khí hậu càng lạnh, kết hợp với sương xuống thì những cánh hoa nhỏ li ti lại càng thẫm màu hồng, màu mận đỏ… Cuối tháng 11 và sang tháng 12 những cánh hoa lung linh trong sương sớm để rồi khi nắng lên vươn mình thức dậy giống như cô gái tuổi xuân thì căng tròn sức sống khiến cho ai cũng say đắm, cũng muốn dành trọn những yêu thương…
THỜI TIẾT HÀ GIANG MÙA ĐÔNG THẾ NÀO. ( Trong bài viết này chúng ta chỉ phân tích về thời tiết và nhiệt độ của cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang – chúng ta tạm gọi chung là thời tiết Hà Giang. Vì Hà Giang được chia ra 3 khu vực địa lý nên các hình thức thời tiết cũng có sự khác biệt chút ít.)
Lạnh ! Chắc chắn là sẽ lạnh rồi. Những ngày gió mùa Đông Bắc nó tràn về nhiệt độ giảm xuống có khi 0’C. Sương mù giăng kín lối, phía trước chỉ một màu trắng mù mịt.
Thường thì mùa Đông Hà Giang khoảng bao nhiêu độ.
Nhiệt độ Hà Giang những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11nhiệt độ ban ngày nếu không có mưa vào khoảng từ 15 – 25 độ C. Nhiệt độ thường xuống rất thấp vào đêm và sáng. Có một điều đặc biệt mặc dù khí hậu Hà Giang vẫn là khí hậu 4 mùa đặc trưng của miền Bắc, nhưng Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn chia ra 2 hình thái thời tiết là mùa khô và mùa mưa. Từ tháng 11 trở đi Hà Giang đã bắt đầu vào mùa khô. Những cơn mưa đã ít dần đi, khí hậu hanh khô cho dù ban ngày có nắng nhưng nhiệt độ vẫn rất thấp. Chưa tính ở các đỉnh núi như: Cổng trời Quản Bạ, Cổng Trời Cán Tỷ, dốc Thẩm Mã, hay Mã pì Lèng… tỷ lệ sương mù bao phủ sẽ lên đến 80% Tuy nhiên sương mù vốn dĩ chính là “đặc sản” quanh năm ở Hà Giang chứ chẳng riêng gì mùa đông mới có.
Nhiệt độ Hà Giang từ cuối tháng 11 và tháng 12 trở đi, sang đến tận tháng 1 là thời gian mà không khí lạnh tràn về nhiều nhất. Xuất hiện những đợt rét dài, nền nhiệt luôn ở mức trung bình 5-10 độ. Có nhiều năm đã xảy ra băng giá trên các đỉnh núi cao, sương muối bao phủ khắp các miền cao nguyên.. Tầm này những nhà dân ở Hà Giang luôn luôn có 1 cái chậu than hồng đặt trong nhà, trong chậu than lúc nào cũng có 1 cái ống bơ sữa ông thọ, lâu lâu nướng củ khoai cháy xém vỏ hay cái bắp Ngô thơm ngào ngạt luôn.
HÀ GIANG MÙA ĐÔNG CÓ GÌ ĐẸP
Hoa Tam Giác Mạch
Đúng rồi, như đã nói từ đầu. Hoa Tam Giác Mạch là đặc trưng của mùa đông Hà Giang mà. Khắp các miền núi đá những cánh hoa nhỏ li ti linh lanh khoe sắc hồng khiến cho ai cũng dành trọn vẹn yêu thương.
Mùa hoa Cúc Dại chân phương.
Hà Giang những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu và chào đón những ngọn gió đông. Hà Giang bỗng trở nên đẹp ngỡ ngàng với mùa Hoa Cúc Dại chân phương, dịu dàng và tinh khiết. đẹp đến nao lòng.
Mùa Hoa Cải vàng.
Thường là bắt đầu từ tháng 12, khi mùa rau đã tàn nhường chỗ cho bạt ngàn hoa Cải khoe sắc. Hoa Cải giống như hình ảnh của người con gái H’mông miền biên viễn Hà Giang đương độ xuân thì. Những nét đẹp thuần khiết, trong sáng, những nỗi niềm thầm kín của người con gái đượm trong sắc vàng hoa Cải. …
Cảnh vật Hà Giang
Hãy đến với Đồng Văn vào những ngày cuối năm, vào những ngày đông rét căm căm, có những khi mặt mũi xám ngoét và tay chân tê cứng không còn cảm giác vì lạnh, ta đắm đuối với tất cả những gì thuộc về nơi này, từ con người, đến cảnh vật, những bông hoa, ngọn cỏ và những giá trị thiêng liêng thuộc về riêng nơi ấy.
Quên làm sao được những cánh đồng cải vàng bất tận trải dài khắp thung lũng Sủng Là hay chợ Sà Phìn hiu hắt chiều đông. Quên làm sao được những con đường đèo uốn lượn như những dải lụa tuyệt đẹp hay những quãng đổ đèo ôm cua tay áo. Quên làm sao được bóng dáng của những người phụ nữ H’Mông trĩu nặng gùi củi trên vai, thoăn thoắn những bước đi nhanh hơn cả màn đêm nơi núi rừng khi bóng chiều tà đã phủ thẫm những vách đá tai mèo sừng sững, hình ảnh những đứa trẻ con mặt mày lấm lem chơi bên vệ đường giữa cái lạnh tê tái vùng biên cương, những ánh mắt lấm lét khi gặp người lạ và ngây thơ rụt rè khi được cho quà. Quên làm sao được những tút rượu ngô thơm phức ấm lòng du khách mà người dân tộc gọi đó là những bông hoa ngô của núi rừng bên cạnh những nồi thắng cố bốc khói nghi ngút ở những góc chợ phiên cuối năm.
Và thật khó diễn tả cảm giác được đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, nằm trên con đường mang tên Hạnh phúc – một trong tứ đại đỉnh đèo trứ danh của vùng núi phía bắc Việt Nam, sung sướng ngất ngây chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình trước mắt. Một vẻ đẹp vừa dữ dội khiến cho những du khách yếu tim mới đến đây lần đầu dễ thấy bối rối, sợ hãi, lại vừa yên bình đến kỳ lạ, kích thích người ta cứ phải nhìn, phải ngắm , nhìn mãi về những ngọn núi cao tít tắp đằng xa, nhìn mãi xuống thung lũng kia nơi có dòng sông Nho Quế gợi cảm ấp ôm núi non trùng điệp…
Hà Giang mùa đông ngắm hoàng hôn trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Nếu đi Hà Giang vào ngày có nắng và lên đến Đồng Văn khoảng 16h chiều. Chúng ta có thể leo bộ lên khu di tích Đồn Cao. Ở trên đó chúng ta có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thị trấn Đồng Văn. Ngắm hoàng hôn dần buông một màu rực lửa khắp đại ngàn cao nguyên, Không có một ngôn từ nào để miêu tả trọn vẹn sự vi diệu đó…
Đi Hà Giang mùa Đông thì mặc như thế nào ?
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang mùa đông là phải mặc đồ đông, áo rét dày và ấm.Và đặc biệt những bạn nào đi xe máy thì phải mặc loại có mũ, chùm đầu lông vũ kín gió, vì đi xe máy, gió lùa rất lạnh. Găng tay dày, mũ len, bịt tai, khẩu trang loại dày, giày ấm (chống nước càng tốt)…Vì đi du lịch Hà Giang chủ yếu phải đi bộ nhiều, nhiều đoạn phải leo dốc. Thế nên mang giày thể thao để đi, càng nhẹ càng tốt…
Hoàng An