Hang Khâu Mèng (Thuận Hòa – Vị Xuyên), một địa danh không xa đối với những cư dân thành phố Hà Giang. Từ thành phố đến hang khoảng 21 km – khoảng cách lý tưởng cho du khách đến khám phá những bí ẩn trong hang động. Khâu Mèng được coi là một trong những hang động rộng nhất trên địa bàn tỉnh, chứa đựng nhiều sự huyền ảo, lung linh trong đó.
“Ruộng bậc thang” |
Đường dẫn vào hang
Theo Quốc lộ 4C, đường Hà Giang – Đồng Văn, đến km 9 rẽ phải, con đường nhựa êm phẳng uốn lượn ven lòng hồ Thủy điện Sông Miện 5 dẫn ta đến trung tâm xã Thuận Hòa. Từ đó, chếch theo hướng Đông Bắc, ngược những con dốc và đi thêm khoảng 4 km là đến thôn Khâu Mèng. Từ đây, con đường bê – tông dài hơn 2 km xuyên qua những nương ngô xanh mướt, ngược lên độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển được huyện Vị Xuyên đầu tư gần 10 tỷ đồng để đưa chúng ta đến với hang Khâu Mèng ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, trong lòng núi đá nguyên sơ. Đến đây rồi, chưa cần vào hang vội. Ngồi nghỉ mệt, thả mắt theo những lọn mây trắng nõn, miên man đậu trên tán rừng cổ thụ, hay phóng ánh nhìn về phía dưới ngắm cánh đồng thôn Mịch A mênh mông thì con gái, ngắm lòng hồ thủy điện xanh ngắt trọn màu mây; đâu đó, những nếp nhà sàn ẩn hiện trong ngô, lúa thấy ấm dần màu sắc của ấm no… Chưa hết, 2 bên đường, người Mông Khâu Mèng đã trồng những cây đào rừng để vẫy chào du khách. Nếu vào mùa Xuân, cánh đào phai bung nở, con đường này chắc chắn là đường hoa. Khi được hòa mình vào hệ sinh thái trong lành trên lưng núi Khâu Mèng hình như những lo toan, bề bộn đâu đó đã phai đi, để lại khí trời ăm ắp những niềm vui. Ngay kia, một nương ngô vắt ngang sườn núi, ngọn trổ cờ vẫy gió xào xạc bay…
Du khách tham quan. |
Có gì trong đó?
Cũng lạ, theo tay anh Phử – người dẫn đường, thì kia là cửa hang, một cái hẻm bé xíu, thăm thẳm dốc, chỉ một người đi lọt, ẩn dưới tán rừng, nhiều người hơi thất vọng. Nhưng, theo ánh đèn đã được sạc no pin, chúng ta hãy cùng lách vào! Đi qua khoảng 5 m, đường vẫn dốc nhưng vòm trần đã rộng dần, khai mở dần những bí ẩn chờ ta khám phá. Vào đây, không khí mát lạnh, thoáng và độ ẩm cao. Vào sâu thêm nữa, con đường lươn lươn dốc, hướng theo ánh đèn, trần hang, vách hang là thế giới của nhũ đá. Trần hang nhũ buông phủ như những chiếc đèn chùm, lòng hang những cột đá, trụ đá ẩn hiện, vách hang là những tấm rèm nhũ… mang muôn hình, vạn vẻ. Trong không gian với chiều dài khoảng 500 m, rộng từ 20 đến gần 100 m, hang Khâu Mèng sở hữu vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, được tạo nên từ các thạch nhũ, các vũng nước, ao nước, hồ nước, thác nước… với nhiều hình thù đa dạng, phong phú. Ở đây có những khối thạch nhũ mang dáng hình của một động vật thời tiền sử, có “chợ tam thất”, “bãi gốc tre”, “bến rùa”, “trống đồng”, “Quan âm bồ tát giáng trần”, “ruộng bậc thang”, “bầu sữa mẹ”, “con đường bê – tông”… và còn rất nhiều tên gọi đang chờ du khách khai sinh.
“Bức rèm đá”. |
“Để đi hết phần hang này, chúng ta cần khoảng 3 giờ đồng hồ; đây là hang giữa, nếu đi hết cả tầng dưới và tầng trên thì phải hết cả ngày” đó là lời chia sẻ của anh Phử, người mà cách đây hơn 30 năm đã cùng cha mình phát hiện ra hang Khâu Mèng. “Chẳng hiểu sao, tôi coi 3 tầng của cái hang này như nhà của mình vậy, mình phải có trách nhiệm trông nom, bảo vệ nó” đó là lời tâm sự rất mộc mạc khi chúng tôi hỏi tại sao anh thuộc cái hang rộng lớn này như lòng bàn tay vậy. Quả thực, giữ một mê cung đá, nhiều nhánh, ngách, nhiều tầng như vậy mà không yêu nó, không thường xuyên đến với nó, chăm sóc nó thì ai có thể “nhắm mắt” đi lại trong hang như anh Phử, một công dân của thôn Khâu Mèng. Và anh cũng nói: “Ai yêu hang Khâu Mèng thì hãy đến với tôi!” Vâng, cảm ơn anh! Để trả lời câu hỏi: Có gì trong đó? Chúng tôi cho rằng ngoài những tuyệt tác của tạo hóa, trong đó còn có anh, người đã âm thầm bảo vệ, dọn vệ sinh do những người vào hang vô ý thức để lại, người đã từng xót xa khi một ngọn nhũ nhỏ bị bẻ gẫy, người vẫn thường một mình đi tuần trong hang, kiểm tra xem có gì bất ổn…
“Bến rùa”. |
Lo toan của chính quyền
“Chúng tôi xác định, hang Khâu Mèng là một tiềm năng, một sản phẩm du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nhưng để đưa vào hoạt động thì còn rất nhiều việc phải làm; trong đó, điều quan trọng nhất là kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng trong lòng hang”. Đó là lời của đồng chí Nông Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa. Quả thực, đây cũng là chủ trương, sự chỉ đạo của huyện. Huyện đã đầu tư gần 10 tỷ đồng làm đường bê – tông lên cửa hang, nhưng thiết kế, quy hoạch đường đi lại trong hang; kéo điện lưới vào hang thì đối với xã là nguồn kinh phí không nhỏ, vẫn là câu chuyện “lực bất tòng tâm”!
Hiện nay, xã tiến hành quản lý, bảo vệ, hướng dẫn du khách biết đến khi có nhu cầu vào hang tham quan; đẩy mạnh công tác truyền thông, kết nối tua, tuyến, giới thiệu với du khách mọi miền. Nếu được đầu tư hợp lý thì đây sẽ là một điểm du lịch sinh thái độc đáo phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá, trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: An Dương