fbpx
Đi đâu, Điểm đến hàng đầu

Lạc vào làng cổ trăm năm tuổi ở Hà Giang

Nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 7km, ngôi làng cổ Thiên Hương hơn 100 năm tuổi thu hút mọi du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ đẹp trường tồn theo thời gian.

Chị Vân Hni (SN 1989, sống ở TPHCM) từng đến Hà Giang nhiều lần vì quá yêu mến thiên nhiên và con người nơi đây. Năm nay, khi “khăn gói” từ miền Nam ra thăm vùng địa đầu Tổ quốc, chị quyết định ghé ngôi làng cổ mà một người chị thân thiết giới thiệu cho. Đó chính là làng Thiên Hương hơn một trăm năm tuổi, nằm cách thị trấn Đồng Văn khoảng 7km.

Làng cổ Thiên Hương thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một trong những điểm đến nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích khi ghé thăm vùng đất địa đầu Tổ Quốc

Chị Vân vượt hàng nghìn cây số từ TPHCM ra Hà Giang để tham quan và trải nghiệm ở làng cổ

Làng Thiên Hương (hay còn gọi là làng Mã Pắng) cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 30 phút di chuyển. Di chuyển vào trong làng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà trình tường với lớp mái cổ kính hơn 100 năm tuổi.

Nhà bà con nơi đây được xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa với mái ngói âm dương và tường làm bằng đất. Trong nhà, không gian chia thành 2 gian, gian dưới để nấu ăn và sinh hoạt, còn gian trên chứa đồ đạc.

“Ấn tượng đầu tiên của mình khi đến làng cổ Thiên Hương là nơi đây sở hữu vẻ đẹp còn khá nguyên sơ. Dù đã trải qua cả trăm năm nhưng cảnh quan dường như không có sự thay đổi. Từ con đường, nhà cổ cho đến cả nội thất trong nhà. Khung cảnh nơi đây thực sự yên bình, mang lại cảm giác thư thái và dễ chịu”, chị Vân chia sẻ.

Đầu làng là những cây đa cổ thụ 4-5 người ôm không xuể, có tuổi đời hàng trăm năm

Khung cảnh mộc mạc, bình yên giữa núi rừng ở làng cổ trăm năm tuổi

Những đứa trẻ khuân cỏ tươi, củi khô về làng

Làng Thiên Hương là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Tày. Họ sống bằng nghề nông và sản xuất rượu. Ở đây, phụ nữ khi đi làm thường mặc bộ áo dài truyền thống màu đen và quấn khăn trên đầu.

Những đứa trẻ trong làng rất dễ thương, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng nữ du khách Sài Gòn. Chúng thường ra các gốc đa đầu làng chơi đùa, đọc sách

Khung cảnh bình yên ở làng Thiên Hương, phía xa là những ngọn đồi trùng trùng điệp điệp chỉ một màu xanh bạt ngàn

Bà con ở làng cổ có truyền thống làm rượu lâu đời, tạo nên thứ đặc sản mà du khách thập phương tới đây thưởng thức đều yêu thích. Trải qua quá trình chế biến kỳ công, tốn nhiều thời gian và công sức, người dân trong làng mới thu được một lít rượu Thiên Hương.

Để làm ra loại rượu thơm ngon nổi tiếng, bà con địa phương phải hái hơn 30 loại lá thuốc để làm men rồi lấy ngô về, đổ vào nấu chín. Khi ngô bung nở to bằng ngón tay thì đổ ra phơi cho nguội bớt đi. Tiếp đến, men được giã rồi trộn đều và chất đống, ủ kỹ trong bao. Sau một tuần thì đem ra cất thành rượu.

Rượu Thiên Hương được chế biến kỳ công, có hương vị thơm ngon, ngọt hậu, uống vào cảm giác êm ái và ấm bụng, không giống với các loại rượu truyền thống khác.

Đến với làng cổ Thiên Hương, chị Vân không chỉ được thưởng thức món rượu ngô ngon nức tiếng mà còn được tham gia nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị như lội suối, bắt cá, thưởng thức với rượu ngô men lá,…

Du khách được tham gia nhiều trải nghiệm ẩm thực khi ghé thăm làng Thiên Hương

Món bánh bò mềm mịn, trắng phau của người dân địa phương

“Mình thích kiểu du lịch tự khám phá, trải nghiệm những ngôi nhà cổ và cuộc sống của người dân trong làng. Phải ở đây vài ngày mới cảm nhận được nhiều thứ hay ho. Khi đi dạo quanh làng, bạn sẽ gặp các cụ già, các bác rất hiếu khách. Chỉ cần bạn ngỏ ý muốn học đan giỏ, dệt lanh hay làm bánh,… họ sẽ vui vẻ đồng ý và nhiệt tình hướng dẫn”, nữ du khách đến từ Sài Gòn bày tỏ.

Chị cũng đặc biệt yêu thích các món ăn bình dị nhưng không kém phần thơm ngon, hấp dẫn ở ngôi làng này như bánh phở, bánh bò,… với hương vị khác biệt so với những món cùng tên ở miền Nam.

Trải qua cả trăm năm, làng cổ Thiên Hương vẫn giữ được nét đẹp trường tồn với thời gian và trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương.

                                                                                                 Phan Đậu – Ảnh: Van Hni