Là một tập quán xã hội và tín ngưỡng, Lễ cúng thần rừng (Mo đổng trư) có lịch sử hình thành cùng với quá trình hình thành và tồn tại của người Nùng, lễ cúng nhằm mục đích cầu mong thần rừng che chở, bảo vệ cho dân làng, bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là bảo vệ cho cây rừng và nguồn nước, tránh được thiên tai, bão lũ, đảm bảo cuộc sống no ấm cho người dân.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu dân tộc học, người Nùng có lịch sử cư trú lâu đời ở Hà Giang cách ngày nay khoảng trên 300 năm, theo thống kê dân tộc Nùng có 83.481 người (Niên giám thống kê tỉnh năm 2020), người Nùng tại Hà Giang được phân bố ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần là nơi người Nùng tập trung tương đối đông. Trong suốt quá trình cư trú người Nùng chủ yếu canh tác ruộng bậc thang, khai thác lâm sản. Theo quan niệm của người Nùng vị trí để thờ cúng thần rừng được lựa chọn tại Khu rừng cấm thường nằm ở vị trí cao nhất, phía đầu thôn bản, bởi theo quan niệm tại vị trí này, thần rừng sẽ biết được tất cả các hoạt động trong thôn bản, sẽ bảo vệ thôn bản được yên bình, bảo vệ mùa màng, cây trồng, vật nuôi. Là một nghi lễ chung cho cả cộng đồng do đó việc chuẩn bị lễ vật cho nghi lễ cúng tại khu rừng này cũng hết sức quan trọng và được chuẩn bị hết sức chu đáo, điều này giúp cho người dân trong mỗi thôn bản cảm thấy yên tâm hơn trong cuộc sống, vì họ cho rằng đã được thần linh bảo vệ.
Các lễ vật được các gia đình người Nùng chuẩn bị để nghi lễ được tiến hành chu đáo
Lễ cúng thần rừng là lễ thức dân gian của cộng đồng người Nùng được tổ chức ở nhiều thôn bản tại các xã có cộng đồng người Nùng sinh sống. Trải qua hàng trăm năm tục lệ này vẫn được cộng đồng người Nùng duy trì cho đến ngày nay.
Không gian văn hóa của lễ cúng thần rừng là một không gian mở rộng được tổ chức từ phạm vi gia đình cho đến cộng đồng. Đây là không gian thiêng mà từ xưa tới nay, cộng đồng người Nùng vẫn còn lưu giữ. Hàng năm cứ vào ngày tốt cả cộng đồng trong thôn đều tổ chức lễ cúng rừng tại khu rừng của thôn mình, sau đó các gia đình trong toàn xã lại tổ chức cúng thần rừng chung vào ngày thìn các dịp đầu tháng 2 và tháng 7 Âm lịch hàng năm tại khu rừng cấm nơi có miếu thờ hoặc có cây cổ thụ theo quan niệm của người Nùng là nơi trú ngụ của thần rừng và các vị thần linh. Lễ cúng thần rừng của Người Nùng không chỉ mang giá trị lịch sử đã tồn tại lâu đời và được truyền từ đời này sang đời sau. Lễ còn mang giá trị văn hóa có tính tâm linh cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người người khoẻ mạnh….một mong ước quan trọng trong đời sống của các cư dân nông nghiệp. Bên cạnh đó lễ cúng thần rừng còn thể hiện tính cố kết cộng đồng của người Nùng; trong buổi lễ cũng là dịp để họ chia sẻ tâm tư tình cảm, chuyện hiếu hỷ, cùng nhau tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh sảng, đu quay, ném còn, đánh sảng…Ngoài ra, lễ cúng thần rừng còn thể hiện tính trọng lão, trọng thị những người có công trong việc thực hiện nghi lễ, mà còn giúp người dân giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giữ rừng và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng đang ngày càng cạn kiệt và nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào. Ngoài ra, lễ cúng thần rừng còn mang giá trị khoa học nhất định và phản ánh được mỗi quan hệ chặt chẽ gắn kết giữa 3 yếu tố: Đất đai – rừng – nước, đây là 3 yếu tố rất cần để đảm bảo cho cuộc sống của mỗi một tộc người .
Mỗi thôn, bản sẽ tổ chức tại địa điểm thích hợp nhất đối với nghi lễ Cúng thần rừng, nơi được lựa chọn là nơi có nhiều cây cổ thụ, hoặc tại miếu được xây dựng tại khu rừng.
Lễ cúng thần rừng (Mo đổng trư) là nghi lễ chung thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Nùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cố kết cộng đồng, góp phần giáo dục con người sống hoà hợp với môi trường thiên nhiên, bảo vệ rừng, nguồn nước đó là những yếu tố rất cần để đảm bảo cho cuộc sống của con người. Lễ cúng thần rừng của người Nùng đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Du khách có thêm nhiều trải nghiệm ý nghĩa, thú vị và hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Nùng tỉnh Hà Giang, góp phần hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, từ đó hình ảnh về mảnh đất và người nơi đây sẽ được biết đến rộng rãi hơn, mang lại ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của tỉnh Hà Giang.
Cộng đồng người Nùng tham gia các hoạt động vui chơi bằng các trò chơi dân gian truyền thống.
Phương An
Thành phố Hà Giang
0943.160.813