Lên Hà Giang những ngày năm mới, ngắm hoa mận trắng, ngắm hoa đào hồng, thổn thức, đắm mình trong thiên nhiên tươi đẹp, đầy sức sống. Nhưng… cũng chớ quên “thưởng thức” trọn vẹn những lễ hội mùa xuân ở Hà Giang vô cùng đặc sắc mà chẳng nơi nào có này.
1. Lễ hội Gầu Tào – Lễ hội đặc sắc nhất của người H’Mông ở Hà Giang
Lễ Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Mông ở Hà Giang những Tết đến, xuân về. Lễ Gầu Tào chẳng biết từ bao giờ, chỉ biết rằng trải qua bao nhiêu năm lịch sử, nó vẫn được lưu truyền và giữ được nguyên đó nét đặc sắc và độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Mông. Lễ Gầu Tào đầu năm là một nghi lễ không thể thiếu của bà con vùng cao nơi này, hội thường được tổ chức hàng năm diễn ra trong 3 ngày, cũng có khi được tổ chức gộp 3 năm một lần và được tổ chức liên tiếp trong 9 ngày. Lễ hội thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày rằm tháng Giêng và từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa mà ít nơi nào có được.
Trong truyền thống của người Mông, lễ Gầu Tào sẽ gồm 2 phần. Phần lễ với các nghi lễ cúng bái trang trọng để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, tạ ơn với thần linh và cầu phúc cho gia đình. Gia chủ sẽ phải chuẩn bị một mâm cơm lễ với đầy đủ 3 món thịt, rượu và bánh ngô, ngoài ra còn có giấy tiền, thóc …và món xôi ngũ sắc – đặc sản của nơi vùng cao Việt Nam này.
2. Lễ hội Lồng Tồng của người Tày
Nếu như người Mông có lễ Gầu Tào truyền thống thì Lễ Lồng Tồng của người Tày cũng là một hoạt động được người dân và săn đón nhiều nhất. Thường được tổ chức vào những ngày đầu tiên của tháng Giêng, người Tày tổ chức lễ Lồng Tồng với ước mong về một năm mới sung túc, cuộc sống đủ đầy, gia đình ấm no hạnh phúc.
Trong quan niệm của người Tày, lúa thóc có đầy bồ, thời tiết thuận hòa, chăn nuôi có thuận lợi là do có các vị thần bảo vệ và phù hộ. Vì vậy, trong các nghi thức cúng lễ Lồng Tồng họ sẽ chọn ra vị thầy cúng giỏi và được mọi người tin tưởng để đọc các bài khấn và thay mặt gia chủ cầu các vị thần, cầu thần Nông bảo vệ ruộng đồng cho mùa màng bội thu, cầu thần Suối cho mưa thuận gió hòa, cầu thần Núi, tổ tiên cho sức khỏe và bình yên của gia chủ và cả một bản làng
3. Lễ hội Lập Tịnh chỉ dành cho nam giới của người Dao ở Hà Giang
Lễ Lập Tịch hay còn gọi là lễ Cấp Sắc là một trong những nghi lễ truyền thống vô cùng độc đáo của người Dao. Khá giống với nghi thức thành đinh của một số các dân tộc thiểu số khác, lễ Lập Tịnh là lễ chỉ dành cho nam giới trong bản và mang một ý nghĩa đặc biệt trong quan niệm của người Dao. Lễ Lập Tịnh thường được tổ chức vào thời gian rảnh rỗi, ví dụ gia chủ thường chọn vào những ngày tháng 11, tháng 12 hoặc chọn làm lễ vào đầu năm mới.
4. Khám phá phong tục Tết của người Lô Lô
Tuy là một dân tộc thiểu số có dân số ít nhất của Việt Nam, người Lô Lô sống xen kẽ lâu đời với các dân tộc khác nhưng bản sắc văn hóa độc đáo của người Lô Lô trải qua bằng ấy năm lịch vẫn còn nguyên đó nét truyền thống mà không ở đâu có được.
Từ hôm 28 – 29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị đón tài lộc năm mới. Họ hoàn thành hết mọi công việc đến trước đêm 30 Tết và “phong” cho tất cả những công cụ lao động. Từ những cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, hay chuồng trại…đều được dán giấy màu đỏ, màu vàng và được người dân làm lễ cúng với xôi, thịt, rượu.
Không sáng bừng lung linh những ánh đèn như ở trên phố, là không khí ấp áp, những ánh đèn đỏ đèn vàng mờ mờ trong màn đêm nơi bản làng. Tết của người Lô Lô đơn giản chỉ là bữa cơm quây quần, sum họp của cả nhà. Chẳng có đêm giao thừa với pháo hoa rực rỡ, họ chỉ đơn giản quan niệm rằng tiếng gà gáy đầu tiên là dấu hiệu của một năm mới bắt đầu. Mộc mạc và giản dị nhưng Tết của người Lô Lô vẫn đầy sức sống và hấp dẫn.
5. Chợ tình Khâu Vai nổi tiếng “có một không hai”
Về Hà Giang tháng 3 đắm say trong sắc hoa đào nở muộn trên cao nguyên đá, bạn còn có cơ hội được tham gia phiên chợ tình Khâu Vai (hay còn gọi là chợ Phong Lưu) đầy sắc màu và nổi tiếng duy nhất trên đời. Chợ tình Khâu Vai truyền thống của Hà Giang tổ chức một năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Phiên chợ với lịch sử lâu đời mang một giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân là chốn về cho “người cũ” gặp nhau.
Năm nào cũng thế, những chàng trai, cô gái yêu nhau mà không lấy được nhau thì hẹn gặp ở Chợ tình để tâm sự về cuộc sống riêng của mỗi người, để ôn lại những tình cảm thuở nào, thể hiện cảm xúc nhớ nhung, nghẹn ngào và quyến luyến. Có đôi vợ chồng cùng nhau đi phiên chợ Khâu Vai để gặp lại người xưa mà không chút ghen tuông, đến nơi vợ tìm bạn vợ, chồng tìm bạn chồng để mà trò chuyện, chia sẻ để hỏi xem bây giờ có khỏe không, có hạnh phúc không, con lợn, con gà năm nay nuôi như thế nào thôi …
Nguồn: Ecotravel