fbpx
Tin tức

Sản phẩm du lịch – “Vitamin” tăng sức bật cho du lịch Hà Giang.

Năm 2022, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch số 43/ KH – UBND ngày về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, một số sản phẩm du lịch của tỉnh đã được làm mới, bên cạnh đó nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm có tính chuyên sâu gắn với các giá trị văn hoá, lịch sử cũng đã được hoàn thiện, giới thiệu và ra mắt thị trường khách du lịch như: sản phẩm du lịch “đường Hạnh Phúc – con đường máu và hoa”, “Hành trình đến với địa chỉ đỏ Căng Bắc Mê” ; “Hành quân theo bước chân anh” hay “Hành trình đến với tương lai Xanh”… từ đó góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước quay trở lại Hà Giang sau đại dịch Covid – 19 và khẳng định vị thế của du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trên thế giới.

Với đặc điểm tự nhiên, tài nguyên du lịch phong phú và có tính nổi trội cao. Hà Giang đã hình thành ba không gian du lịch gắn với những sản phẩm đặc trưng, riêng có. Cụ thể: Không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng và đặc biệt là sản phẩm du lịch tâm linh lịch sử; không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) đây là vùng Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, là vùng đã được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia. Khu vực đồi núi đá phía Bắc gắn liền với sản phẩm du lịch địa chất, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và thể thao mạo hiểm; không quan du lịch đồi núi đất phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần) gắn với di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Nơi đây được biết tới với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải, giám đốc Sở VHTT&DL được biết: Trên cơ sở các tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hoá, lịch sử…nổi trội và có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, xác định phát triển sản phẩm du lịch phải thù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của tỉnh; phải có tính liên kết với các vùng trong và ngoài tỉnh; đảm bảo phù hợp với thị hiếu của thị trường khách trong tương lai… Sở VHTT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 43/ KH – UBND ngày về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 trong đó xác định rõ 5 nhóm loại hình sản phẩm du lịch chính, bao gồm: sản phẩm du lịch cộng đồng,  sản phẩm du lịch văn hoá, sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm; sản phẩm du lịch thương mại, biên giới. Với việc xác định rõ năm nhóm loại hình sản phẩm du lịch, đó sẽ là cơ sở để tỉnh lựa chọn tập trung đầu tư cho những sản phẩm chủ đạo, có tính cạnh tranh cao; góp phần hình thành nên chuỗi sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.

Với việc tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhiều điểm đến đã được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao, đặc biệt như thôn Hạ Thành, thôn Tha (thành phố Hà Giang); thôn Lũng Cẩm Trên, thôn Lao Xa, làng cổ Thiên Hương, thôn Lô Lô Chải (huyện Đồng Văn); thôn Nậm Hồng (huyện Hoàng Su Phì); thôn Cóc Pảng (huyện Yên Minh); thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ); du thuyền trên sông Nho Quế; nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên; điểm cao 468; Căng Bắc Mê…Việc liên kết các điểm đến để tạo thành chuỗi sản phẩm với các tỉnh lân cận như Cao Bằng với một hành trình hai Công viên địa chất; tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên với hành trình đến với ruộng bậc thang; tỉnh Tuyên Quang với hành trình xuôi dòng sông Gâm… cũng đã và đang được Sở VHTT&DL đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan khảo sát, xây dựng các loại hình trải nghiệm sâu cho khách du lịch tại các điểm trên tuyến kết nối với các huyện và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, sẽ tiếp tục tập trung vào công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng các biển, bảng chỉ dẫn cũng như đào tạo, tập huấn cho nguồn nhân lực tại chỗ để tham gia vào hoạt động du lịch dịch vụ. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tăng cường công tác quản lý điểm đến, kêu gọi nguồn lực xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng sẽ được tiếp tục triển khai thực hiện.

Năm 2023, năm của nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lầ thứ XVI (2020 – 2025) ; Nghị quyết số 11 – NQ/TU ngày 02/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025. Bằng sự quyết tâm cao, với nhiều giải pháp được áp dụng thực thi một cách hiệu quả. Và đặc biệt, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch, đã góp phần cho du lịch của tỉnh Hà Giang thực sự trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam, điều đó được minh chứng qua các số liệu khách du lịch đến với Hà Giang ngày một tăng, các dự án về du lịch dịch vụ được khối doanh nghiệp quan tâm đầu tư ngày một nhiều, số lượng nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực du lịch ngày một đông, hình ảnh một Hà Giang thân thiện – bản sắc được giới truyền thông giới thiệu ngày một nhiều ./.

  • Bài/ ảnh: Vừ Mai Hương – Phó Giám đốc TTXTDL
  • ———————————
  • Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay
  • Trung tâm TTXTDL Hà Giang
  • Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
  • Hotline: 1900561276
  • Đặt vé máy bay: ubuk.com