Đã từ lâu, trong bộ trang phục rực rỡ, lung linh của người dân tộc Dao luôn có sức hút vô cùng mạnh mẽ không chỉ bởi vẻ đẹp mộc mạc truyền thống mà còn bởi chính từ những bộ trang sức lấp lánh, được trạm khắc vô cùng tinh tế mang ý nghĩa rất riêng của từng loại trang sức ấy.
Để có được những bộ trang sức độc đáo đó chính là nhờ những đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỉ, cẩn thận đến từng chi tiết của những nghệ nhân tạo ra những sản phẩm có những hình ảnh, đường nét tinh xảo và nghệ thuật tạo hình vô cùng sắc nét. Những kỹ năng đó của các nghệ nhân chạm bạc đã được hình thành và rèn luyện từ ngày này qua ngày khác, từ thế hệ này truyền trao lại cho thế hệ sau và đến ngày nay, nghề chạm bạc vẫn được cộng đồng bà con người Dao lưu giữ. Nghệ nhân Đặng Văn Bàn là người dân tộc Dao thôn Thác Hùng, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) một trong số ít các nghệ nhân còn sử dụng phương thức chạm khắc bạc thủ công truyền thống đã chia sẻ rằng: để làm ra được một món đồ trang sức từ chất liệu bạc bằng phương pháp thủ công mang đúng nét truyền thống cần rất nhiều công đoạn và đòi hỏi người làm ra sản phẩm này phải sự am hiểu và có kỹ năng được rèn luyện thuần thục, cẩn thận đến từng chi tiết và đặc biệt quan trọng nhất đó là khâu chọn bạc, nung bạc tất cả đều cần phải có thời gian và sự tỷ mỉ chi tiết của người tạo ra sản phẩm. Được biết, sau khi tạo hình và chạm khắc bạc xong để tạo ra được một sản phẩm trang sức bằng bạc trắng sáng, người Dao còn có bí quyết đó là sử dụng loại cây rừng mà người dân nơi đây gọi là “cây chua” để tráng sản phẩm và sẽ tạo ra một món đồ trang sức vô cùng hoàn hảo.
Sự tỷ mỉ và khả năng chạm khắc điêu luyện của các nghệ nhân người dân tộc Dao đã tạo nên sản phẩm trang sức vô cùng độc đáo, mỗi họa tiết, hoa văn được chạm khắc đều có ý nghĩa gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người dân tộc Dao và ngày nay, những bộ trang phục ấy được người Dao sử dụng nhiều tại mỗi dịp lễ, tết và đặc biệt trong lễ cưới để làm nổi bật lên hình ảnh của cô dâu trong ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình.
BHG