fbpx
Tin tức

Văn hóa ẩm thực của đồng bào Mông

Mưu sinh từ bao đời trên những miền núi đá cao và xa của miền cực Bắc Tổ quốc, đồng bào Mông đã tạo dựng cho mình vốn văn hóa mang đậm bản sắc. Đến những bản Mông ở Mèo Vạc, sức hấp dẫn của những món ẩm thực đã toát lên sự ấm áp và nét độc đáo về cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Ngô nguyên liệu làm nên nhiều món ẩm thực độc đáo của đồng bào Mông.
Ngô nguyên liệu làm nên nhiều món ẩm thực độc đáo của đồng bào Mông.

Huyện Mèo Vạc có trên 78% đồng bào dân tộc Mông. Chẳng biết tự bao giờ cây ngô đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế đối với đồng bào Mông. Tập quán sinh sống trên các triền núi cao, giữa rừng đá tai mèo lởm chởm trập trùng, không đủ đất trồng lúa nên từ bao đời nay, lương thực chính của người Mông là cây ngô; từ nguồn thực phẩm này, họ chế biến thành nhiều món ăn độc đáo với hương vị đậm đà, khó quên.

Là thế hệ thứ ba trong gia đình vẫn lưu giữ được các món ẩm thực truyền thống, chị Sùng Thị Pà, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) tâm sự: “Các món ẩm thực truyền thống của dân tộc Mông được gia đình tôi gìn giữ từ bao đời nay, mỗi món ăn đều có ý nghĩa riêng và được làm theo mùa. Có những món chỉ dịp Tết mới làm như bỏng ngô và bánh láo khoải… Để làm ra những món ẩm thực độc đáo này, đòi hỏi người phụ nữ phải rất khéo tay. Cùng với mèn mén, món ăn độc đáo nổi tiếng nhất của đồng bào Mông là “Pá páo cừ” (bánh ngô). Ở đây, bất kể người con gái Mông nào chỉ mới hơn 10 tuổi đã biết làm các món ẩm thực từ ngô để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc và một phần các món ăn từ ngô đã trở thành nghề mưu sinh đối với nhiều gia đình”.

Bà Vừ Thị Dà, xã Cán Chu Phìn, học làm bánh ngô từ mẹ đẻ khi mới 15 tuổi. Bà chia sẻ: “Ngày xưa, mỗi mùa ngô, gia đình tôi thường làm bánh và đem bán tại các chợ phiên để kiếm thêm thu nhập. Khi lập gia đình riêng, tôi vẫn thường xuyên làm để lưu giữ hương vị quê hương”. Để có được một mẻ bánh với hương vị thơm ngon, người làm bánh phải trải qua một quá trình lao động công phu, nhất là vệ sinh phải đảm bảo. Bánh ngô chủ yếu được làm từ ngô nếp, thơm và dẻo. Khi ngô còn sữa, đem về tách hạt rồi cho vào cối đá xay nghiền thành bột. Sau đó sẽ bỏ bột ngô xay vào một chiếc túi treo lên cao để phần nước thoát ra ngoài, còn bột được giữ lại bên trong. Để bột ngô nhanh khô người ta đặt túi bột vừa xay vào ống tro bếp hút nước được nhanh hơn. Khoảng hai ngày thấy bột ngô trong túi đông lại, lấy ra đánh tơi rồi cho một lượng nước vừa đủ vào đảo đều, lăn thành từng chiếc bánh hình tròn giống như bánh rán đem chảo rán vàng. Tùy thuộc vào sở thích của từng người mà khi nặn bánh cho thêm một chút mật mía, mật ong. Một số gia đình thường gói bánh ba cạnh, nặn thành từng bánh nhỏ rồi lấy bẹ của bắp ngô gói bên ngoài thành hình tam giác sau đó bỏ vào chõ hấp chín, khi ăn bánh rất dẻo có mùi vị thơm ngon.

Anh Nguyễn Công Thắng (Hà Nội) cho biết, dù đã đi du lịch ở nhiều vùng miền, ăn nhiều loại bánh, nhưng anh vẫn ấn tượng nhất là những chiếc bánh ngô được bán tại các phiên chợ vùng cao Hà Giang, bánh vừa ngon, dẻo, có hương vị rất lạ, rất đậm.

Trải qua bao thế hệ, ẩm thực từ ngô đã trở thành nét văn hóa mang đậm bản sắc đối với đồng bào dân tộc Mông. Hiện nay, để giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa đó, hàng năm huyện Mèo Vạc tổ chức các chương trình, lễ hội, giao lưu ẩm thực, thi chế biến các món ăn từ ngô của các xã, thị trấn nhằm quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến du khách.

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *