Trên độ cao trung bình từ 800 m – 1.200 m so với mực nước biển. Xã Tân Lập (Bắc Quang) được ví như một Cao nguyên rộng trên 5.000 ha với nhiều cung bậc khác nhau, mang lại những cảm xúc ấn tượng. Bên cạnh thiên nhiên hùng vĩ là những nét văn hóa, đời sống tộc người rất đa dạng, phong phú rất cần được khám phá.
Điểm săn mây trên thôn Khá Thượng |
Tôi vặn tay lái về bên trái trên lối rẽ ở ngã ba xã Tân Quang đi về phía Tây theo Tỉnh lộ 177 chỉ chừng 3 km đã bỏ sau lưng sự ồn ào phố thị. Con đường nhựa oằn mình như con rắn khổng lồ nằm vắt ngang đồi núi. Thật là một cảm giác mạnh cho những tay cua còn non nớt. Xã Tân Lập giữ một vị trí rất thuận lợi trong đầu mối kết nối tuyến du lịch đi từ huyện Bắc Hà (Lào Cai) lên thành phố Hà Giang để đi tiếp lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Tống Xuân Ngự vui vẻ: Mình lên Cổng trời 1 ngắm và “săn mây”. Quẹo qua phải, bỏ xe dưới chân thác nước chảy từ rừng già km số 16 rồi đi bộ, leo dốc lên Chu Thượng. Gặp lại ông Triệu Chàn Quấy ngay giữa rừng chè cổ thụ trăm tuổi, ông Quấy vui ra mặt kể: Huyện Bắc Quang đã cùng các nhà khoa học, nhà sinh học về đây nghiên cứu rừng chè trăm tuổi họ Triệu. Các nhà khoa học đánh giá, rừng chè này phải có cách đây ít nhất trên 130 năm tuổi. Cây chè tồn tại lâu như vậy là nhờ thổ nhưỡng, khí hậu ở Chu Thượng đấy. Các nhà khoa học còn cho rằng, con người được thụ hưởng những tinh chất của cây chè cổ này rất khoẻ, rất bền nữa đấy cháu ạ. Nói rồi, ông Quấy cầm chiếc ấm đồng ra miệng chiếc máng vầu lấy nước vào đặt lên bếp lửa hồng. Nước lần, chảy từ rừng già rất mát về mùa Hè, nhưng lại rất ấm về mùa Đông. Dòng nước được xem là khí tiết của đất, của trời hội tụ lại mà có.
Đồng bào thôn Chu Thượng thu hái chè Shan tuyết cổ thụ. |
Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Tống Xuân Ngự cho biết: Tân Lập sẽ xây dựng ở Chu Thượng một điểm dừng chân đón mời du khách ngay trên rừng chè cổ thụ. Du khách lên đây, vừa khám phá rừng chè cổ vừa trải nghiệm cuộc sống nhà nông đậm chất dân tộc Dao. Chu Thượng sẽ quy hoạch làm nơi trồng các loại rau, củ, quả ôn đới để đón du khách. Phát triển nuôi lợn đen bản địa, gà đen, ngan đen, cá đặc sản… Ông Quấy bảo, người Dao mình còn nhiều cách chế biến chè truyền thống rất độc đáo; trong đó có cách làm chè lên mem trong ống Bương để cạnh gác bếp, làm chè Coòng để nướng phồng trắng trên than nóng… Mỗi loại chè, làm theo các cách thức khác nhau sẽ mang đến những hương vị khác nhau. Đầu Xuân tới, khi sương núi tan, nắng hồng ló mặt núi bác sẽ hái lứa búp chè đầu năm, làm nhiều loại chè truyền thống, cháu nhớ quay lại để thưởng thức nhé.
Cách vài trăm mét, là một dòng thác lớn chảy trên rừng già dội vào vách núi tung nước trắng mờ. Mùa Hè, khách có thể tắm, bơi ngay ở vụng thác núi. Còn mùa này, mùa của sự khám phá 2 bờ vách đá gồ gề của thiên tạo để nghe thấy tiếng vọng trầm hùng của núi rừng miền Tây đọng lại Chu Thượng. Và trên cao đó, dải Tây Côn Lĩnh, nóc nhà cao thứ 2 trên dải đất hình chữ S kiêu hùng đang chờ khám phá. Đón chén trà nóng thơm nồng trên tay ông Quấy nhấp vào miệng, ngậm lại lâu đôi chút để cảm nhận sự giao hoà của trời, đất mà thấy lòng nhẹ tênh.
Chia tay Chu Thượng, tôi đi sang phía Nam về thôn Khá Thượng. Bản người Dao này nằm trên độ cao ngàn mét giữa chốn rừng thiêng. Thực vật bên bờ phía Nam Tân Lập giường như phong phú hơn. Được biết, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam xác định: Rừng núi Khá Thượng thuộc loại rừng nhiệt đới gió mùa nên rất giàu có. Rừng phân thành đa tầng với nhiều loại động, thực vật khác nhau. Bước chân vào rừng Khá Thượng, bên cạnh những cây cổ thụ cao lớn dây leo chằng chịt còn có những khoảng rừng tre, trúc, vầu, nứa mọc đan xen mờ ảo trong sương sớm như cổ tích. Bất chợt, ánh mặt trời giữa Đông lạnh ngắt bừng lên tạo thành những vệt nắng xiên mờ như ảo ảnh. Ông Triệu Quầy Xeng, Trưởng thôn Khá Thượng cho biết: Khá Thượng có 3 dân tộc anh em Dao, Mông, Pà Thẻn cùng sinh sống. Ngoài làm ruộng bậc thang, người dân Khá Thượng, dưới nữa là Khá Hạ, sang bên là Khá Trung còn có trên 100 ha chè Shan tuyết. Người dân “Ba Khá” vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi gia súc và giữ bảo tồn hàng ngàn ha rừng nguyên sinh. Phương án, xây dựng Khá Thượng làm điểm dừng chân ngay bên Cổng trời để ngắm cảnh mây, khám phá rừng già đã được tính đến. Ở đó, mỗi buổi sớm du khách thức giấc chờ săn mây lý tưởng; đêm đến cắm trại, ngắm sao và tha hồ thả lòng theo gió. Trong rừng già, có những thác nước khổng lồ; dưới thác nước có cá Dầm xanh, cá Sỉnh, cá Sứt mũi bơi lội và còn rất nhiều loài cây gỗ quý hiếm, rất nhiều cây thảo mộc dùng làm thuốc tắm, thuốc chữa bệnh… Hàng năm, cứ Xuân sang, người dân “Ba Khá” chọn ngày tốt làm lễ cúng rừng và rừng núi cũng mang lại cho con người cuộc sống sung túc, một vùng khí hậu mát lành để an cư, lập nghiệp.
Xuống đến suối cá thôn Minh Hạ, tôi nhận ra ngay khúc hát giao duyên của người Pà Thẻn. Một không gian văn hoá tộc người đã được xây dựng ngay bên con suối lớn. Chị Tải Thị Vấn người con Pà Thẻn bật mí: Dân tộc Pà Thẻn có nghề dệt thổ cẩm đang được gìn giữ, phục dựng lại thành một làng nghề thổ cẩm. Người Pà Thẻn có vũ điệu nhảy lửa rất độc đáo bằng đôi chân trần dẫm trên than hồng. Vũ điệu này thường được tổ chức vào đêm 30 Tết để xua đi những ưu phiền năm cũ và cũng để đón Thần linh, Tổ tiên về nhà đón Xuân mới, chung vui cùng con, cháu dòng tộc… Du khách nào đến vào dịp nhảy lửa đón Xuân sẽ gặp rất nhiều may mắn, nhiều niềm vui.
Tôi rời Tân Lập trong chiều Đông se lạnh, hẹn gặp lại trong mùa đào rừng khoe sắc. Hãy về Tân Lập vào ngày Hội làng để thấy thêm yêu đất nước, quê hương mình hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng (BHG)