fbpx
Đi đâu

Xín Mần, mùa Thu “chín”

Vượt qua Đèo Gió, trước mắt tôi là không gian mở rộng ngập tràn những sắc màu quyến rũ của núi rừng miền Tây. Trong giây lát, tôi chợt nhận ra đâu đó, mùi thơm béo ngậy pha trộn với mùi khói bếp cứ lan man trong ánh chiều tà…!

Chắc tay lái, thả lỏng tư duy; con đường vào trung tâm huyện lỵ Xín Mần quanh co như con trăn khổng lồ bám theo các triền núi. Trên đó, lúa Mùa đỏ đuôi, ngậm nắng. Dừng xe bên đường, hỏi chuyện nhà nông làm lúa, ngô, rau, đậu… Các lão nông thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn cho biết: Kể từ ngày đắp bờ, cuốc đất, cày bừa, lật cỏ và cấy lúa đến nay đã ngót trăm ngày. Anh có biết không? Cả trăm ngày ấy là những ngày trông trời, trông đất, rồi lại trông cây. Ngày vã mồ hôi trên đồng, tối vã mồ hôi trong giấc ngủ chỉ mong cho mưa thuận, gió hoà. Còn lúc này là lúc trông cho bông lúa chắc hạt, cây ngô đóng bắp và cây đậu đẫy quả. Nhà nông vất vả là thế, là mong cho đến lúc gặt hái ngoài đồng mang về nhà mới hết trông…?! Tuy nhiên, vụ Mùa này, trời, đất cũng đã thuận chiều lòng người trồng cấy. Ngay trên con đường ngoằn ngèo vào thị trấn Cốc Pài, từng đàn gia súc theo tay roi đám trẻ nhỏ ngoan ngoãn về chuồng… Và cả những nụ cười hả hê hiếm hoi mà tôi cảm nhận sau những tháng ngày vất vả lặn lội ngoài đồng, trên rẫy của các lão nông chân chất. Xa xa, những vạt ruộng trĩu hạt vắt vẻo trên các thang bậc, trải rộng như tấm lụa vàng trên núi; tôi thấy nhẹ lòng.

Câu ca dao khi xưa còn ngồi trên ghế nhà trường hồi nào cứ trào lên cổ họng: Thật đúng, mỗi hạt lúa vàng, người nông dân phải đắp đổi bằng không biết bao giọt mồ hôi, bao suy tư, lo nghĩ. Đến giờ phút này, lúa đã đỏ đuôi, ngô đang vào chắc. Mong sao, ngoài kia trời tiếp tục lặng gió để giấc ngủ của các lão nông đêm về ngon giấc. Trên đường vào thị trấn Cốc Pài không chỉ có lúa vàng, ngô đỏ, đậu tương xanh đẫy đà vẫy đón khách mà còn có rất rất nhiều cỏ xanh, nhiều trâu, bò, dê cứ đàn đàn, lũ lũ kéo nhau về chuồng trước khi mặt trời đi ngủ.

Sáng hôm sau, trên con đường ngược lên 8 xã phía Bắc vùng biên ải; tôi vẫn nhận thấy cái mùi béo ngậy thoảng trong sớm mai cứ bám riết dọc đường. Trưởng phòng NN & PTNT huyện Xín Mần, Ngô Văn Tăng cho biết: Tổng diện tích trồng cấy năm 2016 của huyện đạt trên 16.168 ha. Trong đó, cây lúa cả năm là 4.126 ha, ngô cả năm trên 5.598 ha, đậu tương trên 3.200 ha. Riêng đối với cây lúa hàng hoá Già Dui được trồng tập trung tại thôn Lùng Tráng, xã Thèn Phàng khoảng 100 ha. Trải qua thời gian sinh trưởng khoảng 145 ngày kể cả thời gian gieo mạ lúa Già Dui mới cho thu hoạch. Nhờ dưỡng khí trên đỉnh Gia Long cao gần 2.000 m đón lấy những cơn gió Nam thổi hắt từ dòng sông Chảy lên cao tụ lại mà hạt gạo Già Dui to, tròn, sáng bóng như ngọc. Và phải chăng, sự hội tụ của đất, trời trên đỉnh Gia Long đã mang lại cho bát cơm nấu gạo Già Dui thơm, bùi đọng ở trong lòng người  khắp mọi nơi. Khoe về hạt gạo thơm ngon của Xín Mần, anh Tăng cho biết còn có gạo Nấm Sít trồng cấy trên xã Thu Tà.

Ngược với cây lúa Già Dui đón gió Nam nồng nàn, thì cấy lúa Nấm Sít lại hứng gió Bắc lạnh tê. Cũng như con người ta vậy, trải qua sương gió mới cảm nhận được sự vui, buồn và hiểu thế nào là hạnh phúc. Lúa, gạo Nấm Sít khác biệt, quý hiếm cũng là thế. Đồng bào trong xã cho hay, Nấm Sít phiên âm địa phương gọi là nước lạnh; cây lúa nước lạnh duy nhất chỉ có ở Thu Tà, trải qua ít nhất từ 160 – 165 ngày kể từ lúc gieo hạt xuống đất lúa mới được gặt. Lúa, gạo Nấm Sít còn rất khiêm tốn về sản lượng nên ít người biết đến. Nhưng đã ăn cơm nấu gạo Nấm Sít một lần với thịt lợn đen kho Tàu thì ít ai quyên được cái hương vị đặc biệt “không đâu có” của nó. Đồng bào Thu Tà thường gặt lúa Nấm Sít về cất kỹ để dành đón khách quý trong năm. Cho nên, ai đó được biếu gạo Nấm Sít (nước lạnh) để ăn phải là những người có diễm phúc đấy nhé !

Vui chuyện, anh Tăng cho biết: Tổng sản lượng lương thực năm 2016 của huyện Xín Mần ước đạt trên 41.160 tấn. Mức bình quân lương thực năm 2016 của Xín Mần ước đạt trên 700 kg/người/năm; với mức bình quân lương thực nêu trên, thì huyện Xín Mần cần tính tới bài toán tìm lối ra cho nông sản địa phương sau mỗi vụ thu hoạch?Câu chuyện tìm và tính lối ra cho nông sản Xín Mần đã được Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Bùi Minh Hiệu cho biết: Xín Mần năm nay còn lo cả đầu ra cho cây ngô, cây đậu tương nữa đấy. Theo đơn giá, mỗi kg ngô bán tại Xín Mần hiện tại không vượt quá 5.000đ/kg. Sản lượng ngô hạt cả ngàn tấn đọng lại trong dân đang là bài toán đặt ra cho chính quyền các cấp phải chuyển đổi cách làm. Để giải bài toán đầu ra cho nông sản, UBND huyện đang chuyển hướng chỉ đạo bà con giảm bớt diện tích trồng ngô sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Còn lại, sẽ thí điểm trồng ngô; sau đó, thu hoạch cả cây lẫn bắp ngô non ủ lên men làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Hướng tới, chuyển chăn nuôi thành hướng sản xuất chính trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao chiếm trên 35% giá trị thu nhập của nền kinh tế. Đối với cây đậu tương, duy trì ổn định diện tích đã làm để cung cấp thực phẩm và nguyên liệu cho các nghề làm đậu phụ, đậu phụ nhự, đậu sí,… phục vụ tiêu dùng và khách du lịch 4 phương.

Chiều về, thị trấn Cốc Pài nghiêng bóng soi mình xuống dòng sông Chảy hiền hoà; không xa, trên cây cầu Cốc Pài mới xây dựng hoành tráng, tôi chợt nhận thấy công trình Thuỷ điện Sông Chảy 6 bắt đầu khoan thăm dò, đặt móng… Thả bộ trên con đường dãn dân nằm ở phía Đông sông Chảy tôi chợt nhận thấy, cả thị trấn Cốc Pài ửng đỏ sau ánh hoàng hôn. Và đâu đó, cái mùi hương thơm ngậy cứ thoang thoảng, lấp đầy trong không gian rộng lớn của miền sơn cước bám riết không thôi. Phải rồi, mùi hương cốm thơm đầu mùa trên tay cô thôn nữ e ấp gói tặng tôi lúc chào tạm biệt. Thế là, sau cả trăm ngày mưa nắng trên lưng các mẹ, kèm theo bao nỗi vất vả nhọc nhằn trên vai các em gái trẻ đã đón được mùa Thu về. Xín Mần mùa Thu “chín đỏ” núi đồi đang tỏa hương thơm ngào ngạt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *