Sinh thời Hồ Chủ Tịch đã nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Ngoài ra, Người cũng nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Ngày 16 tháng 7 năm 1998, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã bổ sung, phát triển, làm sâu sắc, phong phú hơn kho tàng lý luận văn hóa, đường lối văn hóa của Đảng và mở đường cho thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”; “Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” là hai trong mười nhiệm vụ quan trọng được Nghị quyết đưa ra.
Hà Giang, nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em, nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số với nhiều phong tục, lễ hội độc đáo; nơi còn bảo lưu được nhiều di sản – di tích có giá trị lịch sử lâu đời. Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Giang có 56 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (27 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Trên nền tảng tiềm năng, thế mạnh của mình, cùng với vị thế nằm trong không gian du lịch Đông – Tây Bắc. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch, đề án giữa bảo tồn phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Nhiều di tích lịch sử – văn hóa trở thành điểm du lịch khó có thể bỏ qua đối với mọi du khách trong và ngoài nước khi tới Hà Giang, là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của tỉnh cũng như của Việt Nam. Một trong những di tích không thể không nhắc tới đó là: Di tích cấp quốc gia kiến trúc nghệ thuật dòng họ Vương, nơi gắn liền với câu chuyện lịch sử nhân vật Vương Chí Sình – “Vua Mèo”, người dân tộc Mông duy nhất được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I và II trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Với thời gian trải qua hơn 100 năm, với những thăng trầm của lịch sử, khu dinh thự vẫn uy nghi, sừng sững trên mô đất có hình mai Rùa dưới thung lũng xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Đặc biệt, di tích cấp quốc gia lịch sử và danh lam thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú – nơi địa đầu của Tổ quốc, nơi được mệnh danh là “nóc nhà” Việt Nam, nơi mà bất cứ một người dân gốc Việt nào cũng ước ao, mong muốn được một lần đặt chân tới, được ngắm mình trong lá cờ Tổ quốc rộng 54 m² tung bay trên đỉnh núi Rồng. Từ khi được công nhận là di tích cấp quốc gia (ngày 16/11/2009 tại quyết định số 4193/QĐ – BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cộng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang một số cơ sở hạ tầng của di tích Cột cờ Lũng Cú đã được đầu tư, nâng cấp phục vụ đón khách du lịch. Lượng khách tới Cột cờ Lũng Cú cũng như nhà Vương hàng năm không ngừng tăng; đội ngũ thuyết minh viên tại điểm được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Du lịch đã tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động là người dân địa phương sinh sống quanh khu vực các di tích. Năm 2017, di tích cấp quốc gia kiến trúc nghệ thuật dòng họ Vương và di tích cấp quốc gia lịch sử và danh lam thắng cảnh Cột cờ Lũng Cú được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang ra quyết định công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Ngoài ra, di tích cấp quốc gia danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, danh lam thắng cảnh thác Tiên đèo Gió, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cũng trở thành sản phẩm du lịch chính của vùng với những câu chuyện kể sinh động, hấp dẫn, có sức lan tỏa trong và ngoài nước giữ chân du khách đến và dừng lại. Nói cách khác, du lịch đã tạo ra “linh hồn” cho các di tích lịch sử – văn hóa ở Hà Giang.
Trong những năm trở lại đây, nhờ du lịch, bộ mặt nông thôn Hà Giang cũng như nhận thức của người dân Hà Giang về làm kinh tế có sự thay đổi tích cực. Từ chỉ biết làm nương, làm ruộng người dân đã biết làm dịch vụ homestay phục vụ du khách, từ đó ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan cũng được nâng cao. Người dân biết biến những tấm vải lanh, vải bông trước đây chỉ để may quần, áo thành những sản phẩm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch. Những hạt ngô, hạt gạo, hạt tam giác mạch cũng trở thành đặc sản, thành ẩm thực hấp dẫn của địa phương phục vụ nhu cầu du khách thập phương. Từ những chàng trai, cô gái không biết nói tiếng phổ thông, giờ họ đã biết nói tiếng Anh, biết sử dụng máy tính, công nghệ để kết nối dịch vụ với các công ty, đơn vị làm tua và kết nối trực tiếp tới du khách.
Với định hướng rõ ràng giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng để thúc đẩy phát triển du lịch. Với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ có khoa học và bài bản, ngành du lịch tỉnh Hà Giang đã tác động một cách trực tiếp đến việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh Hà Giang. Du lịch tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc. Nói cách khác, du lịch có tác động quan trọng vào đời sống văn hóa xã hội, một phần nguồn thu từ hoạt động du lịch được tái đầu tư cho việc tu sửa các di tích, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Người dân được nâng cao nhận thức bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng của địa phương mình. Đến nay, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích được xác định là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trách nhiệm của mọi người và của toàn xã hội. Việc xuất bản ấn phẩm “Danh sách các di tích, danh thắng tỉnh Hà Giang” cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh Hà Giang cũng như góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung, các dân tộc tỉnh Hà Giang nói riêng. Góp phần, hoàn thành sứ mệnh lịch sử Người giao, xứng đáng với câu nói “Văn hóa là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”./.
Tác giả: Vừ Mai Hương