fbpx
Đi đâu, Điểm đến hàng đầu

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Việt Nam

Khi chạm tay vào lá cờ Tổ quốc ở đây, ta bỗng thêm yêu, thêm tự hào về đất nước.

 Giá vé: Người lớn: 40.000 đồng

 Trẻ em: 15.000 đồng

  Giá vé xe điện: 15.000 đồng/ lượt

Cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km đường chim bay, cách thị trấn Đồng Văn 24km, cách thành phố Hà Giang 154km, có độ cao khoảng 1.468m so với mực nước biển.Tên gọi Lũng Cú có nhiều cách lí giải. Giả thuyết thứ nhất, Lũng Cú là Long Cư, nghĩa là nơi Rồng ở, đỉnh núi cao nhất của vùng đất Lũng Cú được đặt tên là núi Rồng. Giả thuyết thứ hai, Lũng Cú là cách đọc chệch của từ Lũng Cư, theo ngôn ngữ của người Mông có nghĩa là Lũng Ngô, do cánh đồng trồng nhiều ngô. Giả thuyết thứ ba, Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất

Du khách đến Hà Giang ai cũng ghé cột cờ Lũng Cú để tự hào hô vang hai tiếng Việt Nam. Ảnh: @quintramn

Năm 1978, đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú) cho cắm cột cờ tại đỉnh núi Rồng tại vị trí bây giờ, cột bằng cây sa mộc, cao 12m, lá cờ rộng 1,2m2. Năm 2000, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, cho phép huyện Đồng Văn xây dựng công trình cột cờ bằng bê tông cốt thép, thay cho cột cờ bằng gỗ, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 2010, UBND huyện Đồng Văn đã khởi công trùng tu ngày 08.3.2010, hoàn thành vào ngày 25.9.2010. Để lên đỉnh cột cờ, phải đi qua ba chặng bậc thang, chặng đầu gồm 425 bậc đá, từ chân núi đến nhà chờ, chặng thứ 2 gồm 279 bậc đá, từ vị trí nhà chờ lên đến chân cột cờ, chặng thứ ba là 135 bậc bằng thép nằm trong lòng cột cờ. Chiều cao cột cờ là 34,85m, xây dựng dựa theo mô hình cột cờ Hà Nội, hình bát giác, nhưng có kích thước nhỏ hơn. Ở chân cột, có 8 mặt phù điêu đá xanh, phía trên những tấm phù điêu là 8 mặt trống đồng, mô phỏng những hình ảnh minh họa về quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam, xen vào đó là những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Hà Giang. Hướng Đông chân cột có một cửa mở, lối vào cầu thang dẫn lên đỉnh cột cờ. Phần cuối cùng cao 9m, ốp đá màu trắng. Trên đỉnh là cột bằng inox cao khoảng 8m, treo cờ tổ quốc có chiều dài 9m, chiều rộng 6m. Phía dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm, trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang. Trạm biên phòng Lũng Cú nằm dưới chân núi, cách cột cờ 330m.

Lá cờ Tổ quốc luôn bay phấp phới trong gió. Ảnh: @tuan_phibonaxi

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đường biên, trạm biên phòng còn có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ cột cờ Lũng Cú. Khoảng một tuần hoặc 10 ngày, họ phải thay lá cờ một lần do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ hư hỏng. Trong trạm, lúc nào cũng có lá cờ dự phòng. Trên con đường từ chân núi Rồng lên cột cờ, các nhà khoa học đã phát hiện một loại bọ ba thùy hóa thạch trong đá vôi, có niên đại khoảng 500 triệu năm. Lưng chừng núi, có hang Sì Mần Khan với những nhũ đá nguyên sơ

Khung cảnh Chùa Lũng Cú nhìn từ đỉnh cột cờ Lũng Cú. Ảnh: tyhun_hein

Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy các bản làng, những ô ruộng bậc thang. Đặc biệt, hai ao nước nhỏ ở bên núi, quanh năm không cạn, vết tích của hai hố sụt karst, người dân gọi là mắt Rồng. Tương truyền, trước khi Rồng về trời, thấy người dân khổ sở vì thiếu nước đã để lại hai con mắt. Hai mắt Rồng hóa thành hai hồ nước ngọt. Xưa kia, người dân sử dụng nước ở hai hồ để ăn uống và sinh hoạt. Ngày nay, họ chỉ sử dụng để tưới tiêu phục vụ mùa màng. Với chiều dài lịch sử và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ngày 18.11.2009, Cột cờ Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

  • Hồng Hạnh
  • ———————————
  • Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay
  • Trung tâm XTDL Hà Giang
  • Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
  • Hotline: 1900561276
  • Đặt vé máy bay: ubuk.com