fbpx
Đi đâu, Điểm đến hàng đầu, Các huyện và thành phố, Tin tức

Đặc sắc của phiên chợ “độc nhất vô nhị” Khâu Vai, Hà Giang

Chợ Phong lưu Khâu Vai tồn tại cách hiện nay khoảng trên 100 năm, với huyền thoại về chuyện tình của nàng Út – người dân tộc Giáy và chàng Ba – người dân tộc Nùng.

Các chàng trai cô gái đến với Chợ Phong lưu Khâu Vai. Ảnh: Minh Tiến/TXVN phát

“Chàng ơi xuống núi cùng em

Nhớ mang theo ngựa và đi một mình

Em đây tuy chẳng còn xinh

Có ô che nắng chợ tình phong lưu”…

Khi những ngọn gió giao mùa rủ nhau về hong ấm từng vạt mưa cuối Xuân ẩm ướt, cũng là lúc đá núi cao nguyên lại như thức giấc bởi những bàn chân hẹn về Khâu Vai, nơi có phiên chợ “độc nhất vô nhị” trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang.

Khâu Vai… có thương, có nhớ thì về
Ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là nơi được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hóa lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn.

Ở đây, phong cảnh hùng vĩ với những con đường uốn lượn quanh co dài bất tận, có 19 dân tộc anh em sinh sống như Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Phu Péo, Cờ Lao, Giáy…

Hà Giang gắn liền với nhiều tên đất, tên người và những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Là “phên dậu” của Tổ quốc với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội sinh động tạo nên một vùng văn hóa đa sắc màu, Hà Giang trở thành điểm đến của mỗi du khách.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết: Chợ Phong lưu Khâu Vai (dân gian còn gọi tên khác là Háng Phúng Lìu) tồn tại cách hiện nay khoảng trên 100 năm, với huyền thoại về chuyện tình của nàng Út – người dân tộc Giáy và chàng Ba – người dân tộc Nùng. Đây là phiên chợ đặc biệt, mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào ngày 27/3 âm lịch.
Truyền thuyết kể rằng, ngày ấy, mảnh đất Khâu Vai (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc) có nhiều dân tộc sống thành từng làng, từng bản riêng biệt gồm người Nùng, Giáy, Mông.

Một gia đình nông dân nghèo dân tộc Nùng có ba người con đang độ tuổi đôi mươi. Riêng người con thứ ba tên là chàng Ba đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú, siêng năng, chăm chỉ và có giọng hát hay, tài thổi khèn, thổi sáo đã làm say đắm biết bao cô gái trong làng.
Ở làng bên, nhà tộc trưởng làng người Giáy có nàng Út xinh đẹp đã đến tuổi thích ra bờ suối soi mình. Nàng có bộ tóc dài, dày và óng mượt, có giọng hát rất hay trong trẻo vút cao và mang vẻ đẹp rực rỡ của bông hoa rừng. Qua tiếng khèn, tiếng sáo và các câu hát giao duyên của từng mùa trăng, hai người đã đem lòng yêu thương nhau say đắm.
Tình yêu bị cấm đoán, ngăn cản, đôi trai gái đã bỏ bản và bàn nhau trốn lên đèo Mây (nơi thờ tự miếu Ông, miếu Bà bây giờ) để được gặp nhau.

Tuy nhiên, do tập tục xưa là khi chưa tổ chức cưới và làm lễ nhập ma nhà thì không được sống chung nên chàng trai và cô gái đã dựng hai túp lều ở hai bên đồi.
Cuộc chạy trốn của đôi trai gái càng làm cho mâu thuẫn giữa hai dòng tộc, hai gia đình ngày một trầm trọng hơn.

Từ trên đỉnh đèo Mây nhìn xuống, đôi trai gái thấy cảnh tượng xô xát giữa hai dòng họ, hai dân tộc, hai người đành ngậm ngùi chia tay nhau, quay về can ngăn, hàn gắn lại mối đoàn kết xóm làng giữa hai bên. Đôi trai gái hẹn ước sẽ lại gặp nhau vào ngày 27/3 âm lịch.

Đến hẹn lại lên, mỗi năm chàng Ba và nàng Út lại lên ngọn núi để gặp gỡ, giãi bày tâm sự. Năm tháng qua đi, vào ngày cuối cùng của cuộc đời, họ tìm đến với nhau dưới gốc cây rừng, trên hòn đá thề, ôm chặt lấy nhau mà đi vào cõi vĩnh hằng vào đúng ngày 27/3 âm lịch.
Cảm phục trước câu chuyện tình yêu của đôi trai gái, dòng họ và dân làng quanh vùng đã làm lễ tang ma cho họ và dựng lên đôi miếu thờ, nay được gọi là miếu Ông, miếu Bà và mở chợ tại ngọn núi – nơi đôi trai gái hẹn hò.

Chợ Phong lưu Khâu Vai từ đó đã được mở ra và mỗi năm chỉ có duy nhất một lần; là nơi hò hẹn của các trai tài, gái sắc. Tại phiên chợ này, nhiều đôi trai gái dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn nên duyên vợ chồng.

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Các chàng trai, cô gái du lịch hẻm Tu Sản – nơi đây được xem là “đệ nhất hùng quan”, danh thắng kỳ vĩ độc nhất của Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Minh Tiến/TTXVN phát

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Chợ Phong lưu Khâu Vai không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.

Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong lưu Khâu Vai”, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đến với Chợ Phong lưu Khâu Vai – 2022, du khách sẽ được thưởng thức chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Phiên chợ tình ca trên cao nguyên đá” tái hiện truyền thuyết “Chuyện tình Khâu Vai”; dâng hương tại miếu Ông, miếu Bà; thưởng thức những câu hát đối giao duyên, điệu múa đặc sắc, nghe tiếng khèn Mông gọi bạn, hát dân ca của đồng bào dân tộc Nùng, Giáy.

Ngoài ra, du khách còn được tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và thưởng thức những món ăn truyền thống mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang tập duyệt các tiết mục văn nghệ phục vụ Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh Dân việt

Trong khuôn khổ lễ hội năm 2022 (từ ngày 25 – 27/4), du khách còn được tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; trải nghiệm và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp nguyên sơ, thanh bình với những con người hiền hòa, chất phác và được khám phá muôn vàn điều thú vị của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai – 2022 đã sẵn sàng. Công tác tổ chức sự kiện đang được đẩy nhanh tiến độ như trang trí khánh tiết, lắp đặt sân khấu, âm thanh ánh sáng… Chương trình nghệ thuật theo kịch bản đã được phê duyệt.

Công tác an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ cũng được bảo đảm. UBND huyện Mèo Vạc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương lên phương án đảm bảo an ninh, nguồn điện phục vụ lễ hội; triển khai thực hiện tốt công tác lễ tân, hậu cần và đón tiếp các đại biểu, du khách gần xa…
Với sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh Hà Giang, các sở, ban, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của nhân dân các dân tộc vùng Cao nguyên đá, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai – 2022 sẽ là nơi tái hiện những giá trị bản sắc văn hóa, mang đậm tính nhân văn cao đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc; nơi giao lưu, gặp gỡ trao đổi những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng.

Lễ hội là điểm nhấn trong hoạt động văn hóa, du lịch, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến Hà Giang, đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn./.

Nguồn BNews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *