fbpx
Tin tức

Mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch

Xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới khi bước vào thế kỷ XIX là bằng mọi cách khơi dậy sức sống mãnh liệt của dân tộc để hội nhập quốc tế và phát triển hợp lý, phù hợp với xã hội hiện đại. Để làm được điều đó, nhiều nước đã tìm về di sản văn hoá. Mục đích của du lịch là khám phá và yếu tố đầu tiên để xác định hành trình khám phá và sự khác biệt mà văn hóa là thành tố quan trọng quyết định sự khác biệt. Bản sắc văn hóa là cái gốc giúp nhận diện được những giá trị của bản thân, cộng đồng dân tộc và quốc gia, lãnh thổ.

Hà Giang thật tự hào là vùng đất chứa đựng nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng 19 dân tộc, trong đó có những dân tộc thiểu số rất ít người nhưng bản sắc văn hóa của họ vẫn rực rỡ như: Cờ Lao, Pu Péo, Bố Y, Pà Thẻn… Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa, Hà Giang có 131 di sản văn hóa vật thể; 446 di sản văn hóa phi vật thể; có 3 bảo vật quốc gia, có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; di sản hát then đàn tính được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 27 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia… Từ xu hướng phát triển của thế giới, sự độc đáo, hấp dẫn của văn hóa tộc người, hùng vỹ nên thơ của cảnh quan thiên nhiên nên Hà Giang đã luôn định vị thương hiệu du lịch Hà Giang là phát triển bền vững, lấy bản sắc văn hóa tộc người, cảnh quan thiên nhiên làm trung tâm cho việc phát triển các sản phẩm du lịch. Bản sắc văn hóa đã, đang và sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa có mối quan hệ tương tác bổ trợ lẫn nhau, lấy bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch và lấy phát triển du lịch để có nguồn lực cho việc bảo tồn văn hóa.

Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển du lịch. Trước đây, nói đến giá trị của di sản văn hóa, người ta thường chỉ đề cập đến giá trị tư tưởng gắn với chức năng giáo dục của nó. Điều này không sai, nhưng chưa đầy đủ. Thực ra di sản văn hóa là một thực thể đa chức năng, nói một cách khái quát là nó có chức năng kép, đó là chức năng tư tưởng và chức năng kinh tế. Khi di sản văn hóa trở thành đối tượng kinh doanh của ngành du lịch, nó là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn. Xét từ góc độ văn hóa, hoạt động du lịch thực chất là hoạt động do nhu cầu văn hóa thúc đẩy. Sống lâu tại một chỗ, người ta có nhu cầu xê dịch để có thể tiếp cận, khám phá tính đa dạng của thế giới hiện thực. Nhu cầu đổi mới không gian sinh tồn, cũng như nhu cầu giải trí tích cực để nâng cao sức khoẻ về thể chất và tinh thần, đã thôi thúc con người tìm đến với du lịch. Nhưng hoạt động du lịch chỉ có thể vận hành, khi mỗi cộng đồng người sở hữu một kho tàng di sản văn hóa được tích lũy lâu đời và có sự chăm sóc chu đáo. Trong một cuộc khảo sát của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hơn 90% khách du lịch đến Hà Giang với lý do để khám phá những nét độc đáo của bản sắc dân tộc  thông qua những chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế tại các di sản. Điều đó đã khẳng định vai trò của các di sản đối với sự phát triển của ngành du lịch. Như vậy có thể khẳng định, không có giá trị văn hóa thì ngành kinh doanh du lịch của quốc gia không thể có tiềm năng phát triển.

Du lịch tạo động lực thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Hệ thống di sản là cơ sở để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, góp phần thu hút lượng khách đến ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Ngược lại, du lịch phát triển sẽ tác động trở lại, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa. Một trong những tác động tích cực đầu tiên là du lịch giúp mở rộng giá trị văn hóa của di sản. Ngành du lịch lâu nay được coi là ngành thúc đẩy hiểu biết văn hóa, trong đó di sản văn hóa giữ vai trò quan trọng. Các di sản văn hóa là tài nguyên du lịch đặc biệt để tạo ra các loại hình du lịch phong phú, nó đánh dấu sự khác nhau giữa nơi này với nơi khác, quốc gia này với quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc khác và là yếu tố thúc đẩy động cơ du lịch của du khách, kích thích quá trình lữ hành. Bởi vậy, các hoạt động du lịch đều được hướng vào những nội dung bảo tồn, quảng bá và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống, các lễ hội dân gian, phong tục, tập quán, những tinh hoa văn hóa dân tộc được khai thác giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. Sự phát triển du lịch đã tác động trực tiếp đến việc chấn hưng và bảo tồn di sản văn hóa. Du lịch đã tạo nên điều kiện thúc đẩy kinh tế – xã hội các địa phương, vùng miền và của các dân tộc phát triển. Nói khác đi, du lịch đã có tác động quan trọng vào đời sống văn hóa của xã hội. Theo báo cáo thống kê năm 2022 du lịch Hà Giang đón trên 2,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 5000 tỷ đồng; trong quí I/2023 Hà Giang đón trên 706.000 lượt khách doanh thu đạt gần 1.700 tỷ đồng. Đây là nguồn thu quan trọng để góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đầu tư hạ tầng, trùng tu di tích, di sản văn hóa… Đối với các giá trị văn hóa phi vật thể, hoạt động du lịch đã góp phần phục hồi và làm sống lại nhiều lễ hội dân gian, các loại hình văn nghệ cổ truyền, phong tục tập quán… Chính nhờ nguồn thu từ hoạt động du lịch, trong những năm qua nhiều di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phục dựng, tái hiệu, nhiều di tích được tôn tạo, trùng tu và ngày càng khẳng định vai trò trong việc xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân. Hoạt động du lịch đã góp phần tích cực vào bảo tồn và phát huy bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.

Bên cạnh những mối quan hệ tương trợ lẫn nhau, hoạt động du lịch cũng đặt ra một số thách thức nhất định đến di sản văn hóa. Các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa vật thể với sự có mặt quá đông của du khách cùng một thời điểm ở một di sản đã tạo nên những tác động cơ học, hóa học cùng với yếu tố khí hậu nhiệt đới gây nên những hủy hoại đối với di sản. Sự phát triển của các dịch vụ du lịch tự phát, thiếu sự kiểm soát đã tác động mạnh mẽ đến cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái tại các khu di tích. Hiện tượng du khách viết và khắc chữ lên một số di tích, sự ô nhiễm môi trường từ khói bụi, các loại rác thải… đang xảy ra tác động trực tiếp đến di tích. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, du lịch khi thâm nhập vào cộng đồng lại dễ làm thương mại hóa những giá trị văn hóa bản địa thuần túy… Mặt khác, việc khai thác di sản văn hóa như là đối tượng của du lịch trên thực tế còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đôi khi vì lợi nhuận hay vì mục tiêu phát triển du lịch mà nhiều di sản văn hóa bị xâm hại, biến dạng hoặc cách tân một cách tùy tiện. Điều quan trọng cần xử lý sao cho di sản văn hóa vừa tham gia vào phát triển du lịch như nguồn tài nguyên đặc biệt, vừa tồn tại như một chỉnh thể độc lập.

Để phát huy ưu điểm lợi thế và khắc phục những vẫn đề bất cập trong mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa, trong những năm qua tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp cụ thể và hữu hiệu. Chú trọng nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, du khách về văn hóa và du lịch giúp chủ thể sáng tạo, nhà quản lý; khách du lịch nhận diện đúng, đủ về di sản văn hóa, hạn chế các yếu tố lai căng văn hóa…Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung ban hành các định hướng và chiến lược phát triển văn hóa gắn với du lịch một cách phù hợp, hiệu quả. Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Chương trình 62-CTr/TU ngày 29/3/2013 về phát triển Văn hóa gắn với Du lịch giai đoạn 2013 – 2020; Chương trình 117-CTr/TU ngày 06/10/2014 thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chương trình hành động số 74/CTr-UBND, ngày 22/3/2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có những nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06/01/2016 về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 06/10/2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 19-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/05/2022 về thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 05-ĐA/TU ngày 11/8/2016 nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” giai đoạn 2016 – 2020;  Đề án số 09-ĐA-TU ngày 21/4/2017 về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án số 19-ĐA-TU ngày 25/9/2017 thí điểm phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang; … Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 04/7/2017 phê duyệt Dự án: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục DSVHPVT quốc gia” và “Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang” Giai đoạn 2017 – 2020; Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 về quy định quản lý, bảo vệ và phát huy di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Chỉ thị số 1216/CT-UBND ngày 26/6/2019  về tăng cường quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch; Quyết định 1476/QĐ-UBND ngày 31/7/2019 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng và phát triển các Lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến 2030; Quyết định số 501/QĐ-UBND ngày 08/4/2020 phê duyệt Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025; Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 15/12/2021 về Triển khai thực hiện Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 06/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025…. Tổ chức kiểm kê, nhận diện di sản; lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận di sản; nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội; bảo tồn làng văn hóa du lịch cộng đồng; sưu tầm phục dựng lễ hội truyền thống, khoanh vùng bảo vệ di tích, danh thắng đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công trình đầu tư trong vùng di sản văn hóa, các hoạt động lễ hội, các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch trên địa bàn. Tổ chức triển khai bộ tiêu chí ứng xử văn minh du lịch cho các đối tượng để bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Di sản văn hóa và du lịch có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Những tác động giữa DSVH với du lịch và sự tác động ngược trở lại của du lịch với bảo tồn và phát huy DSVH đòi hỏi cần vận dụng và phát huy tính tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực. Cần có quan điểm biện chứng trong đánh giá và phát triển mối quan hệ này. Tin tưởng rằng với những định hướng chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành khoa học, hiệu quả của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của những chủ thể văn hóa, sự ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và du khách du lịch, những giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang vẫn được bảo tồn và phát huy tạo nguồn lực quan trọng cho du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới./.

                                                                                  Nguyễn Hoài – PGĐ Sở Văn hóa, TT&DL Hà Giang