fbpx
Tin tức

Năm đột phá của du lịch Hà Giang

Năm 2023, cùng với cả nước, du lịch tỉnh Hà Giang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sau làn sóng ảnh hưởng bởi đại dịch covid – 19 . Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang.

 PV: Thưa ông, năm 2023 tỉnh Hà Giang được vinh danh là điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng khác. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc những thành quả của du lịch tỉnh Hà Giang trong năm qua được không?

Năm 2023, trong xu hướng tăng cường hợp tác, giao lưu mở rộng, ứng dụng khoa học công nghệ để khôi phục lại nền kinh tế du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Trước bối cảnh và xu hướng đó, Hà Giang – một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú của Việt Nam – cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng của quy luật đó.

 Năm 2023, Hà Giang đón trên 3 triệu lượt khách (trên 32% so với năm 2022, vượt trên 20%  so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023). Lọt top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do tạp chí New York Times bình trọn. Là điểm đến trong nước được du khách Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên Google; được bình chọn là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam; được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh 3 món ăn của Hà Giang gồm: cá bỗng, cháo ấu tẩu và phở ngô trong top 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Năm 2023, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá của UNESCO để giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và đặc biệt được tổ chức du lịch thế giới công nhận là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.

Bên cạnh đó, việc khai thác tốt các tiềm năng du lịch về giá trị văn hoá truyền thống, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, ngành du lịch Hà Giang năm qua đã tiến hành khảo sát và xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như: về với địa chỉ đỏ Căng Bắc Mê, hành trình đến với tương lai Xanh, đường Hạnh Phúc con đường máu và hoa, linh thiêng Vị Xuyên và di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, “Wow Hà Giang” và “Hành trình về miền ký ức”… các sản phẩm đã và đang nhận được sự đón nhận tích cực từ thị trường khách du lịch từ khi được công bố. Cùng với đó, ngành cũng tiếp tục khảo sát và thử nghiệm loại hình du lịch mạo hiểm như: Đua xe mô tô, ô tô địa hình đồi dốc và lòng suối tại các huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì; chèo thuyền Kayak trên sông Nho Quế; bay dù lượn ở các huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh; khám phá hang Khố Mỷ, động Lùng Khúy (Quản Bạ), hang Khun (Quang Bình)… đáp ứng được thị trường khách không nhỏ đến với Hà Giang tham dự hoạt động. Một số sản phẩm du lịch thể thao được tổ chức thường niên gắn liền với thương hiệu Cao nguyên đá Đồng Văn như: Giải Marathon quốc tế “Chạy trên con đường Hạnh Phúc”, giải trình diễn đua ô tô, mô tô và dù lượn được duy trì và phát triển… Các sự kiện văn hóa của tỉnh như: Chương trình qua những miền di sản Việt Bắc, Festival Khèn Mông, Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai, Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội hoa Tam giác mạch …cũng đã tạo thêm nhiều trải nghiệm dành cho du khách khi đến Hà Giang.

PV: Để trở thành điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á, ông có thể cho biết một số cơ chế chính sách cũng như giải pháp của tỉnh Hà Giang đã triển khai trong thời gian qua để Hà Giang  trở thành điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á?

Để đạt được danh hiệu cao quý là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á, đó là một sự nỗ lực và cố gắng không ngừng của tỉnh trong quá trình xây dựng, phát triển để tạo dựng nên thương hiệu này. Trong những năm qua, ngành đã tích cực triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch cũng như tham mưu trình tỉnh triển khai các nội dung hoạt động liên quan nhằm đẩy nhanh, mạnh hơn nữa việc đưa du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một điểm đến du lịch được đông đảo du khách trong và ngoài nước tin tưởng và lựa chọn. Đặc biệt trong năm 2023, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11 – NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025, nhiều chương trình, kế hoạch, đè án đã được triển khai đồng bộ như: Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 – 2025; Kế hoạch triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cũng trong năm 2023, tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 10/2023/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó các nội dung được hỗ trợ gồm có: Chính sách hỗ trợ xây dựng trạm dừng chân du lịch; Chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các làng Văn hóa du lịch tiêu biểu được tỉnh công nhận. Bên cạnh đó, việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, trong cả nước và nước ngoài được thường xuyên đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, đổi mới hình thức thực hiện. Công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch dần được đầu tư và ứng dụng thực hiện công nghệ chuyển đổi số, góp phần nâng cao tính tương tác cũng như tiếp cận nhanh chóng và thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu và trải nghiệm tại Hà Giang. Các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh dần được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp chuyên sâu, đáp ứng về chất lượng phục vụ với đa dạng thị trường du khách. Nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch cũng thường xuyên được quan tâm, chú trọng đào tạo và nâng cao.

PV: Thưa ông, để xây dựng thương hiệu, vấn đề chất lượng dịch vụ là rất quan trọng vậy định hướng phát triển của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới là như thế nào?

Trong quá trình triển khai các nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hoạt động du lịch trong tỉnh, việc nâng cao chất lượng các dịch vụ luôn được tỉnh Hà Giang chú trọng đầu tư thường xuyên. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang thì việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp trong lĩnh vực dịch vụ là rất quan trọng và luôn được các cấp, các ngành Hà Giang đặc biệt quan tâm. Định hướng, mục tiêu chúng tôi đưa ra là xây dựng ngành du lịch dịch vụ Hà Giang có tính chuyên nghiệp cao.

Đặc biệt, Hà Giang luôn quan tâm đến việc thu hút đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng và an tâm cho các doanh nghiệp khi đến với Hà Giang. Như chia sẻ ở trên, năm 2023 tỉnh Hà Giang đã ban hành một số chính sách để thu hút nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội như Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, với chủ trương “lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, Hà Giang tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả đảm bảo phát triển du lịch xanh bền vững. Ngoài ra, tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại tỉnh Hà Giang thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

PV: Theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia. Vậy, tỉnh Hà Giang đã có kế hoạch triển khai như thế nào cho nhiệm vụ này?

Phát triển du lịch Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chủ yếu dưới hình thức bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, văn hoá và khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên.  Trong đó, các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo, các di sản văn hóa dân tộc là bản sắc, chú trọng bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia. Năm 2023 tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2023 – 2027. Với mục tiêu, nâng cao chất lượng du lịch vùng Công viên địa chất, đảm bảo các tiêu chí: bền vững, xanh, thân thiện , đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn toàn vùng. Bên cạnh đó phải đáp ứng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống tinh thần cho người dân địa phương; đảm bảo an sinh xã hội, góp phần bảo tồn các giá trị di sản; tối đa hoá các nguồn lực xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển Công viên địa chất. Song song với đó, nhiều nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đã được tỉnh cụ thể hoá và có tính logic, lộ trình bài bản như: tổ chức bộ máy quản lỷ, nguồn nhân lực vận hành, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, công tác phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác giáo dục cộng đồng, các hoạt động nghiên cứu khoa học, xúc tiến quảng bá cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trong lộ trình phát triển sắp tới, trước bối cảnh tình hình mới, nhiều cơ hội và thách thức cho du lịch Hà Giang, đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho tỉnh. Đặc biệt, để đạt được mục tiêu đề ra, sớm hoàn thành xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, Hà Giang rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Chính phủ, các cơ quan Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể, thông qua các chương trình dự án, hỗ trợ trong việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch Hà Giang./.

  1. PA
  2. ———————————
  3. Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay
  4. Trung tâm XTDL Hà Giang
  5. Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
  6. Hotline: 1900561276
  7. Đặt vé máy bay: ubuk.com