fbpx
Đi đâu

Tiếng khèn đã đi vào đời sống của người H ‘mông miền đất Hà Giang như thế nào?

[rb_shortcode shortcode=”[rev_slider alias="dos-and-donts"]” _made_with_builder=”true”][/rb_shortcode][rb_sharing][/rb_sharing]

Tiếng khèn đã đi vào đời sống của người H ‘mông miền đất Hà Giang như thế nào?

Đất nước có 54 dân tộc cũng là từng ấy nét văn hóa riêng, đeo balo lên vai đi khắp dải đất hình chữ S thì mỗi một nơi, mỗi một vùng miền đều để lại những giá trị văn hóa truyền thống mang cái riêng mà vô cùng đặc sắc. Ở miền đất Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ Quốc cũng vậy, nét đẹp nơi đây được thể hiện rõ ngay từ phong tục cuộc sống của những người đồng bào dân tộc H’mông. Nhắc đến người Mông chắc rằng không ai là không biết đến tiếng khèn – “ linh hồn” của họ. Khèn là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa, là những câu chuyện cổ được kể bằng âm thanh. Khèn theo người ta từ trong gian nhà đơn sơ ra đến ngoài sân thoáng mát khí trời, từ trên nương trên rẫy xuống đến chợ phiên chợ tình. Khèn không quản thời gian, ngày cũng được mà đêm cũng được, cứ lúc nào hợp lòng người thì khèn lại tấu lên những giai điệu hoang dã, nguyên khôi mà say đắm của núi rừng.

 
Khèn là theo tiếng gọi của người kinh, thực ra khèn còn có tên đúng là kềnh. Kềnh H’mông có 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài ngắn khác nhau, được các người thợ có tay nghề trong vùng tự đẽo, tự làm. Chẳng cần máy móc, chẳng cần sự giúp sức của công nghệ hiện đại, chiếc khèn lần lượt được cho ra đời từ đôi bàn tay chai sần của gió sương, từ những cành trúc bình dị thân quen. Và tiếng khèn cũng đi vào cuộc sống của người Mông gần gũi thân thương như sắc thái mà nó mang, nó đã theo từ bao nhiêu đời, trẻ con lúc còn nhỏ đã biết đến sự xuất hiện của khèn, đã ngồi lắng nghe các anh các chị xúng xính váy hoa nhảy múa rộn ràng bên tiếng khèn say đắm lòng người. Lớn lên chút, chỉ tầm 13, 15 tuổi là các cậu bé đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ và đi hội.

 

Các chàng trai thổi khèn đu đưa người bước chân nhịp nhàng nghiêng ngả theo âm thanh trầm bổng, tiếng khèn vang dội giữa núi rừng, vang vọng cả vào bản làng, trên các nương rẫy, trong các cuộc vui thâu đêm, trong bản tình ca anh và em. Tiếng khèn gắn liền với tình yêu đôi lứa, đôi lứa yêu nhau cùng múa hát bên tiếng khèn, rộn ràng trò chuyện, anh chàng nào thổi khèn giỏi, hay, điêu luyện trong từng bước chân là được nhiều cô gái để ý lắm, ưng lắm.

 

Người già vẫn bảo: “ Tiếng khèn là phần hồn của người H’mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Con trai Mông khi lớn lên là phải biết thổi khèn. Thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến của mọi người »