fbpx
Tin tức

Hà Giang và Tuyên Quang liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mới

Hà Giang và Tuyên Quang là hai tỉnh liền kề có rất nhiều điểm du lịch hùng vĩ khiến bất kỳ du khách nào cũng muốn được một lần đặt chân đến.

Từ ngày 6-12/5, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang và Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Công ty du lịch Vietravel tổ chức chuyến framtrip “Huyền thoại sông Gâm” dành cho du khách từ các sở, ngành du lịch các tỉnh, thành phía Nam và các cơ quan Thông tấn, báo chí đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch mới của hai tỉnh này.

Tại Hà Giang, du khách có thể ngao du trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng ngắm mây trời bồng bềnh, chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xanh rì ẩn hiện trong sương từ đỉnh đèo này hay nhìn xuống hẻm Tu Sản ngắm dòng sông Nho Quế xanh biếc lững lờ trôi. Chiều tối, du khách được về với bản Mông để trải nghiệm cuộc sống của người Mông tại huyện Mèo Vạc, tham gia hành trình chinh phục đèo Mậu Duệ – Du Già và thưởng thức những mâm cơm địa phương, quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, nướng khoai, bắp giữa núi rừng hoang vu…

Trong khi đó, tại tỉnh Tuyên Quang, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm tại các điểm di tích lịch sử cách mạng hào hùng như: lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào và tham gia lễ hội nhảy lửa truyền thống của người Pà Thẻn, chèo thuyền mảng và nghe hát then, đàn tính của người Tày dưới chân núi Hồng. Khi đến thị trấn Lâm Bình, du khách sẽ khám phá vẻ đẹp của những dãy núi cao, hồ nước rộng lớn, cùng các di chỉ khảo cổ và dân cư giàu bản sắc văn hóa, trải nghiệm đi thuyền trên lòng hồ Na Hang để đắm mình khung cảnh núi non, sông nước tuyệt đẹp hòa quyện với cảnh sắc mây trời…

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch Hà Giang, bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, bước vào giai đoạn bình thường mới, ngành du lịch Hà Giang đã và đang triển khai các hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm mới theo nhu cầu thay đổi của du khách.

Cụ thể, trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Hà Giang hình thành 3 không gian du lịch, gồm: không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên); không gian du lịch đồi núi đá – Công viên địa chất toàn cầu (gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) và không gian du lịch đồi núi phía Tây Nam (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình). Từ 3 không gian du lịch này, tỉnh Hà Giang xác định 3 dòng sản phẩm du lịch chính: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Theo đó, tỉnh đã liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước để cùng xây dựng những sản phẩm du lịch mới nhưng vẫn mang đặc trưng của tỉnh Hà Giang nhằm ra mắt, giới thiệu du khách trong và ngoài nước trong giai đoạn bình thường mới để có thể khôi phục lại ngành du lịch sau mùa dịch bệnh.

Đến với Tuyên Quang, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền nghe hát then giữa hồ Nà Nưa.

Là đơn vị chuyên đưa khách tới Hà Giang từ nhiều năm nay, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc sản phẩm của Vietravel cho biết, Hà Giang và Tuyên Quang luôn mang vẻ đẹp riêng, có sự độc đáo và đặc trưng trong nét văn hóa, đời sống và ẩm thực của người dân bản địa. Từ những lợi thế riêng đó, đơn vị đã cho xây dựng sản phẩm “Huyền thoại sông Gâm” để kết nối các điểm du lịch đặc biệt, nhằm đem lại cho du khách thêm một góc nhìn mới, một trải nghiệm mới về hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang.

“Hà Giang và Tuyên Quang có quá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, ai đã từng đến Hà Giang, Tuyên Quang đều yêu mảnh đất này ngay. Việc hướng tới thị trường nội địa của Hà Giang, Tuyên Quang thời điểm này là rất đúng để hồi phục ngành du lịch. Trải nghiệm giá trị văn hóa Hà Giang, Tuyên Quang đã chạm đến trái tim, cảm xúc của chúng tôi trong hành trình du lịch”, bà Tạ Thị Tú Uyên cho biết.

Ngoài ra, theo bà Tạ Thị Tú Uyên, trong bối cảnh ngành du lịch bắt đầu có tín hiệu khởi sắc sau đại dịch COVID-19, muốn phát triển bền vững ngành du lịch, không có con đường nào khác là phải liên kết vì đây là xu hướng tất yếu. Thông qua việc liên kết, doanh nghiệp với các tỉnh, thành phố sẽ cùng nhau xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch tự nhiên, cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú… Việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch không chỉ giúp định vị, tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp, có chiều sâu văn hóa cũng như tăng cường hiệu quả cho công tác truyền thông, quảng bá điểm đến… mà còn nâng tầm dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân sự trong phục vụ du lịch và biến khó khăn thành lợi thế.

Những hình ảnh du lịch đặc sắc tại tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang:

Tại Tuyên Quang, du khách được tìm hiểu về căn lán nhỏ, đơn sơ trong rừng Nà Nưa, đây là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Lán Nà Nưa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, quay theo hướng Đông Tây, có 6 cột gỗ chôn xuống đất, không có vì kèo, mái lợp lá cọ. Lán dài 4,2 m, rộng 2,7 m, chia làm 2 gian nhỏ (có vách ngăn giữa 2 gian): Gian ngoài rộng 1,97 m, dài 2,7 m là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian phía trong rộng 2,1 m, dài 2,7 m là nơi Bác nghỉ ngơi.
Sau khi tham quan cụm di tích Nà Nưa, du khách sẽ được trải nghiệm ngồi thuyền nghe hát then và ngắm hồ Nà Nưa.
Rời Tuyên Quang, du khách sẽ chinh phục dốc Thẩm Mã, tỉnh Hà Giang. Đây là cung đường đẹp nơi địa đầu Tổ Quốc và cũng là điểm “check in” của giới trẻ khi đi du lịch Hà Giang.
Ngoài ra, đến với Hà Giang, du khách cũng sẽ muốn chứng kiến tận mắt kiệt tác của thiên nhiên và nghe những truyền thuyết cảm động về núi đôi Quản Bạ. Núi đôi Quản Bạ có dáng vẻ quyến rũ như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng giữa núi rừng kỳ vĩ Hà Giang.
Ngoài ra, đến với Hà Giang, du khách cũng sẽ muốn chứng kiến tận mắt kiệt tác của thiên nhiên và nghe những truyền thuyết cảm động về núi đôi Quản Bạ. Núi đôi Quản Bạ có dáng vẻ quyến rũ như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng giữa núi rừng kỳ vĩ Hà Giang.
Tại cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), du khách được dự lễ chào cờ ở nơi địa đầu Tổ quốc.
Du khách thích thú “check in” với những cánh đồng hoa tam giác mạch tại Hà Giang.
Trong thời gian khám phá du lịch Hà Giang – Tuyên Quang, du khách dễ dàng bắt gặp những nụ cười của các em bé với những giỏ hoa khi đi dọc ven đường như đang chào mời, níu chân du khách.

Nguồn Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *