fbpx
Món ăn

TINH HOA ẨM THỰC HÀ GIANG

Hà Giang, mảnh đất biên cương Tổ quốc, nơi sinh sống của 19 dân tộc với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Một trong những nét văn hóa nổi tiếng của Hà Giang được nhiều du khách biết đến đó là ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống, mang sắc thái đặc trưng từng dân tộc. Hiện nay, Hà Giang có 4 món ăn gồm: Mèn mén, cháo Ấu tẩu, Thắng cố và thịt lợn cắp nách lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và 4 đặc sản, gồm: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, bánh Tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ lọt Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật.

Thắng Cố – đậm đà hương vị núi rừng

Thắng cố có nghĩa là canh thịt, bao gồm các loại thịt thường được chế biến như ngựa, bò. Đây là món ăn truyền thống của người Mông .Nguyên liệu chính làm ra Thắng Cố là từ “lục phủ ngũ tạng” của ngựa, bò .Sau khi đã sơ chế và làm sạch nội tạng, Toàn bộ lục phủ ngũ tạng, thịt, xương sẽ được ninh nhừ cùng 12 loại thảo mộc núi rừng như thảo quả, quế, hồi…. Nồi Thắng Cố có vậy mới dậy mùi đặc trưng. Thắng Cố được ninh nhừ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi bắt đầu để diu diu lửa để Thắng cố chín mềm và ngấm đậm đà hương vị. Đặc biệt, nồi thắng cố lúc nào cũng được đặt trên bếp nóng, ăn tới đâu múc ra bát đến đó. Thắng cố gây ấn tượng với mùi hương ngai ngái của ruột non động vật, đặc biệt là khi để nguyên các thứ bên trong thì mới ngon đúng vị.

Món Thắng cố không chỉ đơn giản là đặc sản ẩm thực mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của người dân Hà Giang. Người Hà Giang yêu món đặc sản thắng cố như yêu chính linh hồn của vùng đất quê hương mình. Không chỉ vậy mà những du khách gần xa tới đây dù chỉ nếm thử qua một lần cũng đã đủ đem lòng thương nhớ.

Mèn Mén

Mèn mén là món ăn đặc trưng của người Mông được làm từ bột ngô.

Để có được món Mèn mén thơm ngon, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ như: Lựa chọn những bắp ngô già, tẽ ngô, xay ngô bằng cối đá để hạt ngô mịn, sàng, sảy ngô loại bỏ mày ngô, trộn bột ngô với nước, đồ ngô trên bếp lửa. Trong mỗi công đoạn lại đòi hỏi người chế biến phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng riêng như: Độ to, nhỏ của lửa, nhào bột ngô với nước sao cho vừa đủ để không bị khô hay nhão, đồ 2 lần để ngô tơi ngon. Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngon, dẻo, đậm đà.

Món mèn mén hoàn toàn không được nêm nếm gia vị, nhưng vẫn có vị ngọt bùi của ngô, dẻo thơm, lạ miệng. Mèn mén thường được ăn với một số món canh như rau cải, nước thắng cố đều trở thành món ăn gây thương nhớ. Mèn mén ăn với ớt nướng, tạo thành một thứ gia vị say nồng, nhất là những ngày giá rét.

Cháo ấu tẩu – đặc sản nổi tiếng của Hà Giang

Cháo ấu tẩu, món cháo này ban đầu là món ăn giải cảm của người Mông nhưng về sau trở thành món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích.  Gọi là cháo ấu tẩu bởi nó được chế biến từ gạo nương và chân giò lợn đem nấu lẫn với củ ấu tẩu tạo thành món ăn độc đáo. Củ ấu tẩu sau khi được sơ chế bỏ vỏ, đem ngâm trong nước gạo một đêm, rồi ninh cho nhừ mềm, bở bung ra, thành chất sền sệt thì nấu với gạo tẻ ngon, gạo nếp cái đã được ngâm và giã qua, cùng với chân giò lợn đã được hầm nhừ, thêm chút gia vị, nấu nhừ. Khi ăn, múc bát cháo ra bát, đập trứng gà, cho thêm một số loại rau thơm như hành, tía tô, trộn đều rồi ăn nóng.

Cháo nấu xong mang sắc nâu đậm. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng như tam thất. Tuy nhiên cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.

Món Lợn cắp nách

Sở dĩ gọi là lợn cắp nách vì chúng có khối lượng và ngoại hình rất nhỏ bé, phổ biến chỉ khoảng từ 10 – 20 kg nên người dân có thể cho vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách cho tiện và cái tên lợn “cắp nách” hay “lợn lửng” được bắt nguồn từ đó. Vì Lợn cắp nách ăn những thứ có sẵn trong tự nhiên như ngô, khoai, sắn… nên thịt rất săn chắc, ít mỡ, nhiều nạc và trên hết là chuẩn sạch, an toàn cho sức khỏe.

Có nhiều cách chế biến lợn cắp nách thành đặc sản như : luộc, hấp, nướng, hun khói, xào… Các món tiêu biểu có thể kể đến như: Thịt ba chỉ, thịt mông dùng để hấp; thịt thủ, nầm bụng để nấu giả cầy, thịt từ vai trở lên dùng vào món nướng; xương lọc được ninh để làm canh. Lòng dồi và phần thịt bụng còn lẫn cả xương sườn mang hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt dổi, ớt xanh là món ăn đặc sản được người dân yêu thích. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị khó lòng cưỡng lại.

Mật ong Bạc Hà

Mật ong bạc hà Hà giang là loại đặc sản mà hầu hết khách du lịch đã đến Hà Giang đều chọn mua về làm quà tặng những người thân thiết của mình, không những mang giá trị vật chất và còn là giá trị tinh thần, văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao nguyên núi đá Hà Gian

Hàng năm vào tháng 9 đến tháng 12, dọc quốc lộ 4c đi các huyện trên Cao nguyên đá Hà Giang, du khách dễ dàng gặp những lán nuôi ong, hàng trăm thùng nuôi ong trải khắp những thung lũng xứ đá.

Mật ong bạc hà Hà Giang được khai thác từ mật cây hoa bạc hà (loài cây dại mọc nhiều tại Hà Giang) thuộc huyện Đồng Văn, Mèo Vạc Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh tỉnh Hà Giang. Cũng bởi tính chất mọc dại của mình mà sản lượng mật thu hàng năm không quá nhiều. Bù lại, loại hoa bạc hà này lại thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt tại đây, mang đến hương vị rất riêng cho mật ong bạc hà Hà Giang : “Mật ong bạc hà có màu vàng chanh” Khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc,…. Đặc biệt, nó không gây nóng như các loại mật ong từ hoa nhãn, hoa vải”. Mật ong bạc hà được coi là một vị thuốc với những dược tính đặc biệt như bồi bổ sức khỏe, có công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa…

Chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì – Món quà quý của núi rừng

Trà shan tuyết (hay chè shan tuyết) là loại trà thuộc dòng trà xanh, búp trà được phủ một lớp lông tơ bên ngoài màu trắng như tuyết nên người dân gọi là chè tuyết, nếu viết đầy đủ thì là trà shan tuyết cổ thụ.

Những cây chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì ở độ cao trên 1400m, được người dân bản địa thu hoạch, hái lượm từ 3 đến 4 lần trong một năm. Khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4, bắt đầu hái vụ trà đầu tiên (thời điểm chất lượng cao nhất). Vụ thứ hai được hái vào tháng 5 và tháng 6 (vụ có năng suất cao nhất). Vụ thứ ba được hái vào tháng 8 và vụ thứ bốn sẽ vào tháng 10 – tháng 11.

Cây chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì to lớn, thân cây phủ một màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành. Người hái cần phải trèo lên mới thu hoạch đươc. Nhờ có khí hậu vùng núi cao Tây Bắc quanh năm mát mẻ, nhiều mây mù thuận lợi nên chè ở đây búp to, được bao phủ bởi 1 lớp lông tơ mịn như nhung và trắng như tuyết. Các gốc chè Shan Tuyết ở đây có thâm niên tới trên 300 tuổi, thân to, có cây có đường kính lên đến hàng mét.

Đặc biệt, những cây chè shan tuyết cổ thụ ở đây lớn lên hoàn toàn tự nhiên mà không cần phải bón bất cứ một loại phân bón hay loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Vì vậy, nó tạo cho sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ Hoàng Su Phì mang một hương vị đậm đà, riêng biệt mà không một loại chè ở nơi nào khác có được.

Chè shan tuyết được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống của người dân tộc Mông, Dao. Chè được hái từ lúc sáng sớm khi lá vẫn còn ngậm sương đêm đến lúc mặt trời bắt đầu mọc. Sau khi hái về, lá chè được trải ra nền sàn sạch, quạt cho ráo nước, khô sương, thoát khí nóng, đặc biệt không phơi dưới ánh nắng mặt trời. Tiếp theo, nhặt bỏ những búp non bị sâu, lá già, chỉ lấy những lá bánh tẻ. Dùng củi khô cháy đượm và sao ngay để giữ hương vị thơm tự nhiên của búp chè. Khi sao phải để lửa nhỏ đều và luôn hơ tay trên chảo để ước lượng nhiệt độ phù hợp. Sau đó đổ chè ra, vò bằng tay rồi đem sấy khô. Công đoạn này được tiến hành kĩ lưỡng và tỉ mỉ sao cho búp chè không bị quá giòn, không mất hương vị, không làm rơi những tuyết trắng bám ở búp đến khi chè săn lại bằng hạt đỗ, tuyết phủ trắng, màu sắc đẹp mắt là đạt chuẩn.

Không chỉ sản xuất an toàn, sạch sẽ, người dân nơi đây còn phải tuyệt đối tuân thủ những quy định trong việc thu hái, bảo quản để sản phẩm chè đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Búp chè Shan Tuyết phải hái đúng kỹ thuật thì mới không ảnh hưởng tới mẫu mã, độ chát, độ đậm của trà.

Chè shan tuyết Hà Giang có các chất chống ung thư, giải độc nhẹ, tốt cho tim mạch, chống lão hóa, tăng tuổi thọ và kéo dài tuổi xuân.

Bánh Tam giác mạch – Món quà từ Cao nguyên đá Đồng Văn

Bánh tam giác mạch, là đặc sản của người Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân thu hoạch hạt, phơi nắng vài tuần rồi xay thành bột. Khi xay phải thật khéo, nếu không thì bột sẽ không mịn, bánh không ngon. Để tạo ra hương vị khác biệt, người ta trộn thêm bột đỗ và bột gạo nếp nương theo một tỷ lệ nhất định rồi cho hỗn hợp bột này nhào với nước, đánh nhuyễn và nặn thành những chiếc bánh hình tròn có đường kính 10cm, mỏng chừng 1cm. Bánh được hấp chín, sau đó nướng trên bếp lửa và thưởng thức ngay khi còn nóng hổi.

Bánh tam giác mạch có màu tím phai, mềm, xốp, càng nhai càng cảm nhận vị bùi, ngọt thanh, phảng phất hương thơm của cây rừng..

Nếu một lần có dịp ghé thăm Hà Giang vào mùa thu hoạch tam giác mạch, đừng quên ghé thăm những phiên chợ để thưởng thức loại bánh đặc trưng này. Món bánh được làm bởi bàn tay khéo léo của người dân tộc Mông, có sự kết tinh từ thiên nhiên của vùng Cao nguyên đá.

Hồng không hạt – sản vật trên cao nguyên đá

Đối với người dân Hà Giang, có một loại trái cây không thể thiếu mỗi mùa thu về, đó chính là quả hồng không hạt. Ngon nhất là hồng không hạt trồng ở Huyện Quản Bạ – Hà Giang , có vị giòn, ngọt đậm, nhiều bột mịn và có mùi thơm đặc biệt, đang được phát triển nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Loại quả này từ lâu đã được nhiều người biết đến là đặc sản thơm ngon, gắn liền với con người và vùng đất Hà Giang, mang hương vị tươi mát của núi rừng.

Khác với hồng không hạt ở các địa phương khác, hồng không hạt Quản Bạ thuộc loại hồng ngâm, giống bản địa, được đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y… trồng từ lâu đời. Như tên gọi, đây là loại quả không hạt, vỏ khi chín có màu vàng, tai to, nhiều bột cát, giòn, vị ngọt đậm nhưng không cứng và chát. Nếu đem ngâm nước, trái hồng này dù lâu đến mấy cũng không bị rụng cuống. Hương vị thơm ngon của hồng không hạt Quản Bạ là nhờ đầy đủ yếu tố tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất cao nguyên đá rất thích hợp để phát triển hồng không hạt chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định.

Vào tháng 9,10,11 hàng năm, du khách khắp nơi thường đổ về Hà Giang để được thưởng thức đặc sản hồng không hạt Quản Bạ. Thời điểm này, lá đã dần rụng hết, để lộ những quả chín mọng, trĩu nặng khiến nhiều người thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng tại các vườn hồng. Du khách còn có thể trải nghiệm hái hồng cùng người dân, tự tay chọn những quả tươi ngon nhất trên cây để mua.

Ngoài những món ăn nằm trong Top 100 món ăn và 100 sản phẩm qùa tặng Việt Nam được tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn, Hà Giang còn rất nhiều món ngon khác đợi các bạn du khách gần xa đến khám phá và thưởng thức. Ẩm thực Hà Giang luôn khiến khách du lịch phải nao lòng bởi sự hấp dẫn và mang đậm nét cổ truyền, được lưu giữ từ nhiều thế hệ trong vùng miền tuy nhỏ bé này. Không những thu hút du khách trong nước mà còn rất nhiều du khách nước ngoài đều mê mệt với ẩm thực, cảnh sắc tại Hà giang. Một vùng đất làm say lòng người mà trong đời nên một lần đặt chân đến du ngoạn.

Đinh Nhung (S.T)